Ưu đãi quá mức chưa chắc mang đến sự thành công cho các đặc khu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý

Việt Nam nên xác định rõ các mục tiêu, định hướng vai trò của các đặc khu trong tiến trình phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, để cân nhắc có nên xây dựng đặc khu để đưa mô hình vào thử nghiệm và hoàn thiện dần các thể chế hay nên tập trung vào những vấn đề kinh tế cốt lõi khác.

Những ưu đãi quá mức cũng sẽ nhiều khả năng tạo thành tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam. Nguồn: CafeLand
Những ưu đãi quá mức cũng sẽ nhiều khả năng tạo thành tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam. Nguồn: CafeLand

Dự thảo Luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23/5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15/6.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh luận, băn khoăn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Trong đó, có những quan ngại chủ yếu tập trung vào mối lo cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất thời gian lâu như thế sẽ ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng – an ninh quốc gia.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 32 của Dự thảo Luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc quy định: “Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”

Điều này có nghĩa là để nhà đầu tư chiến lược có thể thuê đất với thời hạn 99 năm cần Thủ tướng phê duyệt chứ không đơn giản bất kỳ nhà đầu tư nào cũng được cho sử dụng đất với thời gian đó.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc các nhà đầu tư với số vốn rất nhiều cần có một khoảng thời gian dài để phát triển tại khu vực đầu tư đó, nếu không được sử dụng đất đủ lâu thì sự đầu tư có thể chỉ mang tính thăm dò, dè chừng chứ không toàn tâm toàn ý phát triển.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định rõ chỉ "trao quyền sử dụng đất", chứ không hề "giao quyền sở hữu đất" nên các vấn đề khác phát sinh có thể được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của đặc khu hay tầm nhìn an ninh – quốc phòng thời điểm đó và hoàn toàn có chế tài để kiếm soát nếu Chính phủ thiết lập các quy định, bao gồm cả các việc cần thực hiện ngay để tránh đầu cơ đất tại các Đặc khu như: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; Ngăn chặn, xử lý việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích; Buộc đối tượng vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm...

Có lẽ, điều đáng quan tâm hơn số năm giao đất mà là nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Nếu xây dựng Đặc khu như Dự thảo Luật thì vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn sẽ là trọng tâm khiến cho Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài và không thể trở thành một mô hình kiểu mẫu để đổi mới kinh tế ở Việt Nam.

Ngoài ra, các ngành mà đặc khu được mở được quan tâm có thể là những ngành sẽ tạo được ngân sách lớn cho Chính phủ nhưng không thể tạo thành những mũi nhọn kinh tế để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng lâu dài. Những ưu đãi quá mức cũng sẽ nhiều khả năng tạo thành tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mà chưa chắc đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì khó phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế giám sát chăt chẽ có thể tạo sự thiếu minh bạch và tầm nhìn trong các ưu đãi sẽ vô hình chung dẫn đến các “lợi ích nhóm” chằng chịt chịt, đan xen tại các đặc khu.

Trên thế giới có tới 50% Đặc khu kinh tế vấp phải thất bại. Có thể nói không có mô hình Đặc khu nào là hoàn chỉnh ngay và nhiều mô hình cũng đang tỏ ra kém hiệu quả, và đây cũng không hẳn là mô hình của tương lai để phát triển kinh tế.

Do vậy, Việt Nam nên xác định rõ các mục tiêu, định hướng vai trò của các đặc khu trong tiến trình phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, để cân nhắc có nên xây dựng đặc khu để đưa mô hình vào thử nghiệm và hoàn thiện dần các thể chế hay nên tập trung vào những vấn đề kinh tế cốt lõi khác.

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện này là Chính phủ nên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cởi bỏ bớt các thủ tục, điều kiện kinh doanh và giải quyết các vấn đề kinh tế khác, từ đó tạo được nhiều sự tăng trưởng bền vững hơn cho nền kinh tế hơn.