Ưu tiên triển khai các dự án đầu tư ứng phó với xâm nhập mặn
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 29/5, một số đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu và hạn hán xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các đại biểu kiến nghị ưu tiên triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ hạn chế tình trạng này.
Quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và hạn hán xâm nhập mặn, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho hay, nước sạch, nước ngọt là một trong những vấn đề quan trọng, là mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh… Trong khi đó, vấn đề hạn mặn ngày càng khắc nghiệt không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu đánh giá, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã có những giải pháp và đầu tư rất lớn, liên tục tăng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đại biểu đề nghị cần quyết liệt thực hiện các chương trình đang có, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư để vấn đề hạn mặn không lặp lại ở vùng này cũng như trong cả nước.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, thiên tai, hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan… tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu và có chính sách thực hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo về tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo thường xuyên, chính xác để kịp thời ứng phó, khuyến cáo người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.
Đặc biệt, Đại biểu cho rằng cần có giải pháp ưu tiên các nguồn vốn, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười. Theo đại biểu Trần Văn Sáu, đây được xem là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, cần sớm triển khai quy hoạch cấp nước cho vùng, đảm bảo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Cũng trăn trở về vấn đề này, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cho rằng, tình hình biến đổi khí hậu, nắng nóng, hạn mặn đang rất khắc nghiệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng đang diễn ra ở các tỉnh trong vùng. Theo đại biểu, trong những năm gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2024, Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện tình trạng nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu nước ngọt đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nhiều vùng, đặc biệt là vùng ven biển. Hoạt động sản xuất, nhất là nông nghiệp, thủy hải sản bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Giống như các đại biểu trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ quan tâm và có kế hoạch triển khai kịp thời trong việc xây dựng các công trình tích trữ nước và điều tiết nước cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét các giải pháp mang tính chất lâu dài về tái cấu trúc và nghiên cứu, hướng dẫn các phương án sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với bối cảnh tài nguyên nước hiện nay đang hạn chế.
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ban hành các nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng.
Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn và đã xác định trung tâm của ảnh hưởng là tài nguyên nước. Hiện nay, cũng đã có Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hành động cụ thể… với khoảng 60 dự án. Theo Phó Thủ tướng, quy chế liên kết vùng cũng đã có, là cơ sở để các địa phương lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề đang diễn ra.