Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Chiều 23/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) dự kiến gồm 04 Chương, 16 Điều. Về cơ bản, dự thảo Luật vẫn kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.
Về đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định rõ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, ví dụ kinh doanh chứng khoán; chuyển nhượng vốn; phần mềm máy tính…
Dự thảo sửa đổi quy định đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu minh bạch chính sách, đơn cử như: bán nợ; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác.
Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đề xuất bỏ Điều quy định về hóa đơn, chứng từ tại dự thảo Luật. Dự thảo Luật Thuế GTGT đã sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT theo quy định tại Luật số 31/2013/QH13.
Theo đó, cũng cần bổ sung vào điều khoản thi hành dự thảo Luật thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung Luật số 71/2014/QH13 liên quan đến nội dung về ngưỡng doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh nhằm đảm bảo thống nhất giữa 02 sắc thuế, thuận lợi trong triển khai.
Ngoài ra, quy định đối tượng không chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” được sửa đổi thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” để đảm bảo linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Nhằm không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Chính phủ trình Quốc hội quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Nhấn mạnh đây là một dự án luật khó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến, báo cáo Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn.
Về bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của nội dung sửa đổi, bổ sung, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm tính nhất quán giữa nội dung thể hiện trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật với nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban đối với một số nội dung cụ thể: đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; thời điểm xác định thuế GTGT; phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế GTGT đầu vào…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) của Bộ Tài chính, nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội.