Kiến nghị một số dịch vụ không phải kinh doanh chứng khoán chịu thuế giá trị gia tăng

Thùy Linh

Tại dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đề xuất loại trừ một số dịch vụ không phải là kinh doanh chứng khoán ra khỏi đối tượng đối tượng không chịu thuế GTGT.

Các dịch vụ kinh doanh chứng khoán quy định tại Luật thuế GTGT không thống nhất với Luật chứng khoán.
Các dịch vụ kinh doanh chứng khoán quy định tại Luật thuế GTGT không thống nhất với Luật chứng khoán.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế GTGT hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Lưu ký chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; Hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán”.

Tuy nhiên, tại Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán theo quy định tại Điều 86 của Luật này”.

Theo Bộ Tài chính, các dịch vụ kinh doanh chứng khoán quy định tại Luật thuế GTGT không thống nhất với Luật Chứng khoán. Đồng thời, quy định về kinh doanh chứng khoán tại Luật Chứng khoán cũng rất rộng nên trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc trong việc xác định thế nào là dịch vụ kinh doanh chứng khoán theo pháp luật về chứng khoán.

Do vậy, để vừa đồng bộ với pháp luật về chứng khoán và thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định: Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tại điểm c khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, chính sách này sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước vì đã loại trừ một số dịch vụ không phải là kinh doanh chứng khoán ra khỏi đối tượng đối tượng không chịu thuế GTGT theo pháp luật thuế GTGT hiện hành. Đồng thời, giảm chi phí quản lý và chi phí tuân thủ pháp luật cho cơ quan thuế và người nộp thuế do không phải đi xác định thế nào là dịch vụ kinh doanh chứng khoán như hiện nay.

Quy định này không làm cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân người nộp thuế và cũng không làm tăng thủ tục hành chính. Giảm thủ tục hành chính vì không phải xin xác nhận hay hướng dẫn của cơ quan thuế và cơ quan chứng khoán về xác định dịch vụ kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Đặc biệt, quy định bổ sung không xung đột và trái với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như Hiến pháp; các luật thuế hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Quy định bổ sung tạo sự minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.