Đảm bảo giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng thời hạn
Tổng cục Thuế vừa có công văn yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2024, đảm bảo giải quyết hoàn thuế kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2023, với sự nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, công tác quản lý hoàn thuế GTGT của toàn ngành Thuế các tháng cuối năm đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực hơn trước, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Công tác kiểm tra, kiểm tra hoàn thuế đã được thực hiện hiệu quả, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về hóa đơn và hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên tại một số Cục Thuế tỉnh, thành phố chưa chủ động trong tổ chức thực hiện quản lý hoàn thuế GTGT, vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, trong năm 2024, Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng các cục thuế chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý hoàn thuế GTGT trên địa bàn, có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của người nộp thuế đúng thời hạn (6 ngày làm việc đối với hồ sơ được phân loại hoàn thuế trước và 40 ngày đối với hồ sơ được phân loại kiểm tra trước kể từ ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế); giải quyết hoàn thuế đúng đối tượng và trường hợp được hoàn theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.
Căn cứ đặc thù công tác quản lý thuế của từng địa bàn, Cục trưởng Cục Thuế có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát tiến độ thực hiện của các bộ phận, công chức được giao nhiệm vụ liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.
Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị rà soát các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và dự án đầu tư trên địa bàn để chủ động tuyên truyền, hướng dẫn ngay từ khâu kê khai hồ sơ khai thuế, kê khai hồ sơ đề nghị hoàn thuế và các thủ tục về hoàn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế các vướng mắc trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.
Đồng thời, tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo đúng thành phần, thủ tục hồ sơ quy định. Trường hợp hồ sơ chưa được chấp nhận do chưa đủ thủ tục thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế ghi rõ lý do không chấp nhận hồ sơ theo quy định của Bộ Tài chính.
Đối với các doanh nghiệp đã được hoàn thuế, phân công các đơn vị chủ động rà soát, thu thập thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về doanh nghiệp hoàn thuế GTGT, thông tin về các bên liên quan theo các kỳ hoàn thuế để có đầy đủ thông tin phục vụ việc phân tích, đánh giá rủi ro đối với doanh nghiệp hoàn thuế và các bên liên quan, trên cơ sở đó, lựa chọn đối tượng để thực hiện kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với doanh nghiệp đã được hoàn thuế và thanh tra, kiểm tra các bên liên quan (theo thứ tự ưu tiên thực hiện trước đối với các doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thuế năm 2024).
Trường hợp phát hiện bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ có rủi ro cao, cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp hoàn thuế đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra, kiểm tra bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế theo quy định; hoặc có văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế.
Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế quản lý bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp hoàn thuế phải đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra, kiểm tra bên cung cấp hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế; hoặc kịp thời cung cấp thông tin về việc đã thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp hoàn thuế. Trường hợp qua phân tích, đánh giá, nếu xác định bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện rủi ro cao thì trả lời cho cơ quan thuế quản lý hoàn thuế biết.
Cơ quan Thuế thực hiện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện các công việc để giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo đúng quy định tại Điều 34 và Điều 35 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT được phân loại kiểm trước đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho người nộp thuế lý do chưa thực hiện hoàn thuế do còn phải xác minh đảm bảo công khai, minh bạch. Cơ quan thuế phải thực hiện giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh đủ điều kiện hoàn, không chờ kết quả xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT chưa đủ điều kiện hoàn thuế hoặc không được hoàn thuế thì Cục Thuế ban hành văn bản thông báo trả lời cho người nộp thuế biết.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định, trường hợp kết quả kiểm tra, xác minh đến thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chưa phát hiện các hành vi gian lận về thuế thì cơ quan thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định.
Trường hợp sau khi giải quyết hoàn thuế, cơ quan Thuế phát hiện doanh nghiệp có hành vi kê khai sai về số thuế đề nghị hoàn thuế thì cơ quan thuế thu hồi số tiền thuế đã hoàn, xử phạt và tính tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định, đồng thời doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước. Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế cơ quan Thuế phát hiện hành vi, dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước thì củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan công an điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế được biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý.