Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016
Chiều ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.
Về nguồn bù đắp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vay trong nước là 197.165 tỷ đồng; Vay ngoài nước là 51.563 tỷ đồng, các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ vay trong nước. Nhờ đó, kỳ hạn vay bình quân năm 2016 đã được kéo dài, đạt 8,71 năm (năm 2015 là 6,98 năm, năm 2014 là 4,84 năm), đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015.
Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2016; Các khoản thu quan trọng cơ bản đạt dự toán; Cơ quan thuế đã nâng cao năng lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hạn chế tình trạng trốn lậu thuế; Tích cực triển khai nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.... góp phần chấn chỉnh công tác thu.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, số liệu quyết toán NSNN năm 2016 đã được tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Về cơ bản, các số liệu trong Báo cáo của Chính phủ về quyết toán NSNN năm 2016 đã được thẩm định đúng quy trình và đủ điều kiện trình Quốc hội phê duyệt.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 với: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương).