Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tại phiên họp thứ 23, ngày 12/4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong cả nước, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại cần chấn chỉnh, khắc phục.
Những chuyển biến tích cực
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2017, nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán; Đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, hạn chế mua sắm xe ô tô, trang thiết bị đắt tiền; Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay; Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, tăng cường quản lý để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; Triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai kết quả xử lý lãng phí theo quy định của pháp luật.
Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã tạo ra những tiền đề cần thiết để đạt những kết quả quan trọng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Trong quản lý ngân sách nhà nước, Chính phủ đã sát sao chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, cơ bản tuân thủ các Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước; Siết chặt kỷ luật tài chính, minh bạch hoá chi tiêu của ngân sách nhà nước; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, trốn thuế, tích cực thu hồi nợ đọng thuế
Nhiều cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước đã triển khai mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; Chủ trương khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bước đầu được triển khai thực hiện, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận và trong nhân dân.
Nghiêm túc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tuy nhiên, tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách nhà nước, ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn. Tính đến ngày 11/4/2018, vẫn còn 17 bộ, cơ quan ở Trung ương; 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 16 tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và gửi Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về Bộ Tài chính theo quy định.
Đồng thuận với báo cáo của Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 còn một số bất cập. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không gửi Chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Báo cáo Quốc hội kết quả xử lý các vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.