Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong triển khai các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19


Việt Nam đang tập trung nguồn lực tối đa cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, các nguồn lực được huy động phục vụ cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế phải được sử dụng tiết kiệm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng chủ trương, chính sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những đánh giá, xác nhận của Kiểm toán nhà nước - cơ quan kiểm tra độc lập, có chuyên môn cao, về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các khoản thu, chi tài chính - ngân sách có ý nghĩa không thể thiếu trong quá trình triển khai các chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam.

Đặt vấn đề

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã có nhiều tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội (KT-XH) Việt Nam. Để giải quyết những khó khăn, thách thức và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Ngày 28/7/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 thực hiện "mục tiêu kép" vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển KT-XH, trong đó tạo điều kiện tối đa để Chính phủ thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế.

Với mục tiêu chiến lược là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đã ban hành; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các gói hỗ trợ kinh tế mới với quy mô lớn và triển khai trên nhiều lĩnh vực để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục, phát triển KT-XH. Trong bối cảnh đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cần phát huy vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trong đánh giá, xây dựng các chính sách phục hồi kinh tế.

Nhận diện vai trò của KTNN, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trên những góc độ sau: Kiểm toán, đánh giá tác động của các chính sách phục hồi kinh tế; Cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp giám sát việc thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế; Phát hiện các hành vi gian lận, vi phạm chính sách phục hồi kinh tế; Góp phần minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng nguồn lực công cho phục hồi kinh tế; Tham gia, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính sách phục hồi kinh tế theo quy định của pháp luật…

Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách phục hồi kinh tế

Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong quá trình đó, cơ quan kiểm toán tối cao đóng vai trò quan trọng nhằm giúp các nguồn huy động được phục vụ cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế được sử dụng tiết kiệm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng chủ trương, chính sách. Theo đó, vai trò của KTNN được xác định như sau:

Thứ nhất, KTNN thực hiện kiểm toán đánh giá tác động của các chính sách phục hồi kinh tế: Năm 2021, Chính phủ đã ban hành 154 nghị quyết, 83 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 quyết định mang tính quy phạm pháp luật, 26 chỉ thị và các bộ, ngành đã ban hành 253 thông tư để tháo gỡ các “rào cản”, khơi thông nguồn lực cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch. Khối lượng văn bản pháp luật ban hành tạo hành lang pháp lý quan trọng, cần thiết cho triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế.

Thực hiện vai trò, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán nhằm phát hiện các tồn tại, hạn chế trong triển khai các cơ chế, chính sách, giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành phục hồi kinh tế. Kiến nghị của KTNN là cơ sở quan trọng, có tính thực tiễn, xác đáng giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách phục hồi kinh tế.

Thứ hai, KTNN kịp thời cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, HĐND các cấp giám sát việc thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế: Nguồn lực công có nguy cơ thất thoát trong quá trình phục hồi kinh tế nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND). Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND hiệu quả hơn khi các đại biểu dân cử được cung cấp thông tin chính xác, khách quan, đầy đủ và đáng tin cậy. Tại đây, KTNN khẳng định vai trò là công cụ quan trọng, không thể thiếu, phục vụ cho Quốc hội, HĐND thực hiện quyền hạn và trách nhiệm giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn lực công cho phục hồi kinh tế. KTNN sẽ bám sát chương trình, nội dung giám sát của Quốc hội, HĐND để xác định đối tượng kiểm toán phù hợp, từ đó cung cấp thông tin kiểm toán về các chương trình, chính sách phục hồi kinh tế được Chính phủ triển khai để Quốc hội, HĐND giám sát việc thực thi pháp luật; các chủ trương, chính sách mà Quốc hội, HĐND đã ban hành.

Thứ ba, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phát hiện các hành vi gian lận, vi phạm, từ đó kiến nghị xử lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn lực công cho phục hồi kinh tế.

Tuy vậy, phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính không phải là mục tiêu chính của hoạt động kiểm toán. Thông qua các kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, KTNN sẽ gia tăng sức mạnh vô hình trong việc cảnh báo và răn đe nhằm ngăn ngừa những ý định hoặc hành động của một hay một nhóm cá nhân, tổ chức gây tổn hại đến nguồn lực công. Vai trò này phù hợp với mục tiêu hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao được xác định tại Tuyên bố Lima về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán do Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) ấn hành.  

Thứ tư, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN góp phần minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng nguồn lực công cho phục hồi kinh tế: Các gói hỗ trợ kinh tế được triển khai luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất thoát, lãng phí. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cung cấp các thông tin về kết quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, tạo kênh thông tin quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cộng đồng xã hội tham gia giám sát hoạt động sử dụng nguồn lực công cho phục hồi kinh tế. Các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch của Chính phủ trở nên minh bạch hơn; góp phần giảm nguy cơ thất thoát, lãng phí nguồn lực công và tạo sự đồng thuận xã hội cao trong thực thi các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Thứ năm, KTNN tham gia, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính sách phục hồi kinh tế theo quy định của pháp luật: Chính phủ Việt Nam đang dự thảo nhiều gói hỗ trợ kinh tế quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Các giải pháp sẽ có tác động trên nhiều mặt đời sống KT-XH và liên quan đến nhiều biến số kinh tế vĩ mô như: Nợ công, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu thu, chi NSNN... Theo quy định, KTNN tham gia ý kiến với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định. Những ý kiến của KTNN góp phần tích cực để các gói hỗ trợ kinh tế trở nên sát thực.

Phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong triển khai các chính sách phục hồi kinh tế

Nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong đánh giá tác động của các chính sác phục hồi kinh tế, cụ thể:

Một là, nhanh chóng xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm toán các chương trình, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: KTNN cần kịp thời bám sát các chương trình, gói hỗ trợ DN, các chủ thể chịu tác động của COVID-19 đã và đang được Chính phủ triển khai xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp. Mục tiêu kiểm toán định hướng sâu về đánh giá tính cần thiết, sự phù hợp; tính hiệu quả, hiệu lực của các giải pháp. Đồng thời, chỉ ra những điểm bất cập, những lỗ hổng của cơ chế để tư vấn cho Chính phủ hoàn hiện cơ chế, chính sách, góp phần phục hồi nền kinh tế.

Hai là, bám sát chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện kiểm toán: Nhiệm vụ này đã được thể hiện tại Luật KTNN, theo đó KTNN tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kế hoạch kiểm toán bám sát chương trình giám sát của Quốc hội để kịp thời cung cấp thông tin cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện các chương trình, nghị định đã được Quốc hội ban hành nhằm phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, KTNN cũng sẵn sàng các nguồn lực để thực hiện kiểm toán những nội dung liên quan đến các chương trình, chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu. Trên giác độ của chủ thể sử dụng thông tin, các cơ quan của Quốc hội cần sớm trao đổi về nhu cầu thông tin để phục vụ nhiệm vụ, quyền hạn của mình với KTNN, từ đó giúp KTNN xây dựng kế hoạch kiểm toán sát thực với yêu cầu công tác giám sát của Quốc hội.

Ba là, chú trọng đánh giá kết quả huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là nguồn lực tài chính: Thời gian qua, các cấp chính quyền theo nhiệm vụ, chức năng đã huy động được nguồn lực lớn góp phần khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19. Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam được thành lập với mục đích bổ sung nguồn lực tài chính để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Đến ngày 13/1/2022, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam đã huy động sự đóng góp của gần trên 587 nghìn lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ, tổng số tiền khoảng 8.808,95 tỷ đồng, đã sử dụng hơn 7.671 để chi mua vắc xin, chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin. Các nguồn lực huy động được phân bổ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch hoặc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

KTNN cần xác định nhiệm vụ sớm có những đánh giá sát thực về việc huy động và sử dụng các nguồn lực, đảm bảo nguồn lực được huy động, phân bổ, sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng. Kết quả kiểm toán của KTNN được công khai sẽ góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khuyến khích các chủ thể tiếp tục đóng góp các nguồn lực tài chính, vật chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bốn là, bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện kiểm toán các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19: Mọi cuộc kiểm toán cần được bố trí đủ các yếu tố cần thiết để triển khai và đảm bảo chất lượng kiểm toán. Trong bối cảnh nguồn lực hữu hạn, KTNN cần ưu tiên nguồn lực về con người, tài chính và thời gian triển khai hoạt động kiểm toán đáp ứng tối đa yêu cầu kiểm toán các chương trình, dự án, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ngoài đủ về số lượng, lực lượng kiểm toán viên nhà nước cần tinh thông nghiệp vụ, hiểu và nắm vững các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ và có khả năng phân tích, đánh giá chính sách công gắn với thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam.

KTNN thực hiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật. Thông tin kiểm toán về các chương trình, dự án phòng, chống dịch COVID-19 có giá trị và hữu ích đối với Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền và các chủ thể khác có liên quan. Quá trình triển khai rất cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan để hoạt động kiểm toán được triển khai theo kế hoạch và sự quan tâm của các tổ chức xã hội, người dân để đảm bảo chất lượng kiểm toán.               

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2. Quốc hội (2015), Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13;

3. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021của Quốc hội về Kỳ họp Thứ nhất, Quốc hội Khóa XV;

4. Tuyên bố Lima về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán do Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế.

(*) TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2022