Giải pháp nâng tầm quan trọng của kiểm toán môi trường tại Việt Nam

ThS. Đặng Thị Mây - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp/tapchicongthuong.vn

Thời gian qua kiểm toán môi trường đóng vai trò rất quan trọng đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường. Tuy nhiên, kiểm toán môi trường do Kiểm toán Nhà nước thực hiện hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết đề xuất các giải pháp nhằm nâng tầm quan trọng của kiểm toán môi trường tại Việt Nam.

1. Sự ra đời kiểm toán môi trường tại Việt Nam

Kiểm toán môi trường là một hình thức kiểm tra, xem xét các hoạt động về quản lý chất thải và hệ thống quản lý các hồ sơ/giấy phép môi trường của doanh nghiệp. Kiểm toán môi trường bao gồm kiểm toán sự tuân thủ (compliance audit) và kiểm toán hệ thống quản lý về môi trường (management system audit), nhằm mục đích đánh giá việc quản lý môi trường của các doanh nghiệp trên thực tế và dưới quy định của pháp luật.

Từ quy định bắt buộc xử lý đối với chất thải rắn nguy hại tại các doanh nghiệp tất yếu dẫn đến tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp và dẫn đến rủi ro. Trước thực trạng các doanh nghiệp kê khai số lượng chất thải rắn nguy hại không đúng thực tế, xả trộm ra môi trường mà không qua xử lý hoặc trộn lẫn rác thải nguy hại vào rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thông thường,… đã làm không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, mà còn có thể là mầm mống nguy cơ gây bất ổn xã hội. Do đó, công tác thanh, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện các cơ sở không tuân thủ quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước năm 2015, hoạt động kiểm toán môi trường chủ yếu được Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, chương trình mục tiêu hoặc dự án đầu tư. Kết quả các cuộc kiểm toán trên đã chỉ ra những bất cập, hạn chế liên quan đến việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong lĩnh vực môi trường, như: Công tác triển khai, xây dựng các dự án môi trường chậm làm giảm hiệu quả của các chương trình; cơ chế quản lý chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tác động tiêu cực từ các công trình hai bên bờ sông Mê Kông,…

Từ năm 2015 trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước triển khai thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường dưới hình thức kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, chỉ ra những hạn chế và bất cập, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý để có kiến nghị phù hợp, kịp thời. Một số chủ đề kiểm toán môi trường đã thực hiện với kết quả tốt, như: Kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải tại khu công nghiệp Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) năm 2016; Khu Công nghiệp Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình) năm 2017,...

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, còn trường hợp nhà máy xử lý nước thải không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép xả thải, chất lượng nước thải không ổn định, có nhiều thời điểm vượt ngưỡng so với quy định; đa số người dân sống tại thôn, xã phản ánh nước thải khu công nghiệp ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp còn vi phạm quy định về bảo vệ môi trường như quản lý bùn thải không đúng quy định; chất lượng nước mặt vượt ngưỡng quy định; chất lượng nước thải không ổn định, mẫu nước thải thử nghiệm có thông số phân tích vượt so với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải hiện hành,...

2. Thực trạng kiểm toán môi trường tại các doanh nghiệp

Hoạt động kiểm toán môi trường do Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã phát hiện ra hàng loạt các vi phạm môi trường. Điển hình là vụ xả thải ra sông Thị Vải, Công ty Lee&Man xả thải ra sông Hậu và nhất là sự cố Formosa ở Hà Tĩnh. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện, trong số 615 cụm công nghiệp, chỉ 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc tự xử lý nước thải. Tại huyện Long Thành (Đồng Nai), Kiểm toán môi trường đã khiến Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành phải xác nhận các chuyến xe ngoài hợp đồng để thanh quyết toán kinh phí vận chuyển rác. Bên cạnh đó, Phòng này còn thanh toán đối với hoạt động xử lý rác dù doanh nghiệp chưa thực hiện xử lý rác theo công nghệ được quy định trong hợp đồng. Việc chôn lấp rác kéo dài không đúng quy trình công nghệ ảnh hưởng môi trường nước dưới đất, gây ô nhiễm môi trường không khí.

Hay như qua kiểm tra dự án khu xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, Kiểm toán Nhà nước phát hiện dự án thực hiện công nghệ chôn lấp 100% rác thải rắn là không phù hợp quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 (do nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông là nguồn cấp nước từ thượng lưu sông Đồng Nai đến huyện Long Thành) nhưng vẫn được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng. Hoặc tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), qua kiểm toán cho thấy Phòng Kinh tế và Hạ tầng ký hợp đồng đặt hàng dịch vụ công ích với Công ty Công trình đô thị nhưng không thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định. Ngoài ra, đơn vị lập dự toán và đã thanh toán với đơn giá không đúng quy định số tiền hàng trăm triệu đồng.

Có thể thấy, chỉ điểm qua một vài vụ việc, kiểm toán môi trường phát hiện rất nhiều sai phạm. Trong khi đó, các biện pháp quản lý nhà nước về nước thải công nghiệp còn chưa đồng bộ, khoa học, quyết liệt, chặt chẽ, dẫn đến chưa kịp thời phát hiện và ngăn ngừa triệt để các hành vi vi phạm; ban hành văn bản còn thiếu tính thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.

Việt Nam cũng chưa có một văn bản pháp lý cụ thể nào quy định Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán môi trường; nhận thức và dư luận xã hội về lĩnh vực kiểm toán môi trường còn hạn chế, đặc biệt là trong các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng có thể hỗ trợ rất nhiều cho Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm toán.

Một khó khăn khác phải kể đến là nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ có kiến thức và kinh nghiệm về kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế, do đó chưa xây dựng được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp; chưa xây dựng được một quy trình, phương pháp riêng đối với hoạt động kiểm toán môi trường.

Thực tế này cho thấy, việc giải quyết những thách thức mà Kiểm toán Nhà nước sẽ đối mặt trong quá trình thực hiện kiểm toán môi trường không chỉ cần thời gian, sự nỗ lực và định hướng rõ ràng từ Kiểm toán Nhà nước, mà còn cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức và các cơ quan kiểm toán quốc tế.

3. Đề xuất một số giải pháp

Nâng cao khung hình phạt liên quan đến môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, để duy trì mức lãi cao, các doanh nghiệp sẽ ép chi phí bằng mọi cách, phổ biến nhất là đánh vào túi tiền của người lao động - lương nhân viên; hoặc cắt giảm chi phí bảo vệ môi trường, từ đó tiến tới tàn phá môi trường.

Kiểm toán Nhà nước cũng tập trung đề xuất, xây dựng các văn bản pháp lý quy định rõ chức năng kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước; xây dựng và phát triển các hướng dẫn, phương pháp kiểm toán môi trường theo hướng tuân thủ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế; tăng cường nhận thức và ý thức của các cơ quan, đơn vị và xã hội về kiểm toán môi trường; phát triển tổ chức bộ máy kiểm toán môi trường thuộc Kiểm toán Nhà nước; triển khai và tăng cường các cuộc kiểm toán môi trường.

Nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới chất lượng và giá cả mà còn rất quan tâm tới việc sản phẩm được làm ra như thế nào. Tại các nước phát triển, người ta sẵn sàng tẩy chay một sản phẩm nếu biết việc sản xuất ra nó sử dụng lao động trẻ em, hay gây ảnh hưởng độc hại đến môi trường. Chỉ cần một lần vi phạm bị phát hiện, cả một thương hiệu nổi tiếng có thể bị ảnh hưởng dẫn đến phá sản. Vì thế, các công ty, nhất là thương hiệu lớn phải hết sức giữ gìn trách nhiệm xã hội của họ. Trong khi đó, ở nước ta, vấn đề này chưa được chú trọng, đại đa số người dân có thói quen tiêu dùng dễ dãi. Vậy nếu người dân nâng cao ý thức tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng sẽ phải dè chừng hơn tới trách nhiệm xã hội.

Sở Tài nguyên Môi trường cần tập trung kiểm tra hướng dẫn doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp giấy phép xả nước thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, cần duy trì hoạt động tổ công tác về thực hiện kế hoạch cấp phép xả nước thải; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép. Sở ban hành Quy định cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân, trên địa bàn thành phố chia theo các giai đoạn; Quy định công khai các danh mục hồ sơ làm thủ tục cấp phép xả thải.

Đối với những  doanh nghiệp có vướng mắc về thủ tục đất đai, vị trí lắp hệ thống xử lý nước thải,… Sở cần có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên Môi trường tăng cường kiểm tra rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xả nước thải, nếu phát hiện hành vi  xả thải không phép, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường sẽ xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu đóng cửa, tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất của doanh nghiệp. Sở sẽ đăng tải công khai danh sách những doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường chưa có giấy phép xả thải trên các phương tiện thông tin đại chúng để chính quyền địa phương và người dân cùng tham gia giám sát việc xả thải của doanh nghiệp.

Kiểm toán Nhà nước đang tập trung xây dựng và tăng cường năng lực kiểm toán môi trường, trong đó tiếp tục chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán môi trường thông qua các hình thức mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm; cử cán bộ tham gia các khóa học tại nước ngoài, tìm kiếm các dự án tài trợ cho phát triển kiểm toán môi trường; phát triển đội ngũ cán bộ kiểm toán viên kiểm toán môi trường đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngành hợp lý.

Xây dựng quy trình và phương pháp cho kiểm toán hoạt động, trong đó có kiểm toán môi trường, xây dựng Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở luật pháp của Việt Nam nhưng có tham khảo các chuẩn mực, hướng dẫn, cẩm nang của INTOSAI, trong đó chú trọng việc đồng hóa những chuẩn mực của INTOSAI.

Về lâu dài, các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng hệ thống quan trắc tự động nguồn nước trên địa bàn để có sự giám sát, cảnh báo kịp thời những diễn biến môi trường nước, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Tuấn Trung (2008), Kiểm toán môi trường và những thách thức đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán,số 07, 04/2008, tr.19-23.
  2. Hoàng Thuỵ Diệu Linh (2013), Kế toán Tài chính Môi trường và định hướng áp dụng vào Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Phạm Đức Hiếu và Trần Thị Hồng Mai (2012), Kế toán môi trường trong doanh nghiệp, NXB Giáo dục Việt Nam.
  4. Phạm Đức Hiếu (2008), Kế toán môi trường: Một góc nhìn từ khía cạnh trách nhiệm xã hội của tổ chức; Tạp chí Khoa học Thương mại, số 24. 06/2008, trang 33 - 37.