Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh miền Trung trong giai đoạn 2016-2020 đạt 9%/năm; quy mô GRDP năm 2020 tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010. Mặc dù vậy, khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm...
Thực trạng phát triển kinh tế ở các tỉnh miền Trung
Miền Trung gồm các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng diện tích tự nhiên 95,76 nghìn km2, 1.790 km bờ biển, dân số hơn 18,5 triệu người, chiếm 29,1% diện tích, 55% bờ biển và 23,5% dân số cả nước. Là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng.
Tổng thu ngân sách nhà nước của khu vực miền Trung trong giai đoạn 2016-2020 đạt 882.198 tỷ đồng. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới giai đoạn 2016-2020, tăng bình quân 7,4%/năm cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước 3,6%), chiếm 14,34% số DN thành lập mới trong giai đoạn của cả nước.
Vùng có nhiều tiềm năng lớn về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, nghề muối, một số cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng; công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thủy sản, khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, vật liệu xây dựng... Ðồng thời, có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, với các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên được UNESCO công nhận cùng với hệ sinh thái biển, đảo phong phú.
Thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với miền Trung, cùng với sự nỗ lực của từng tỉnh, thành, nhờ đó kinh tế các tỉnh miền Trung đã có bước phát triển nhất định.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh miền Trung giai đoạn 2016-2020 đạt 9%/năm; quy mô GRDP năm 2020 tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010. Kinh tế khu vực chuyển biến tích cực và dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Công nghiệp chiếm tỷ trọng 35,4%, tốc độ tăng trưởng cao nhờ phát huy vai trò các khu kinh tế ven biển, thu hút các công trình, dự án công nghiệp động lực: dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.
Ngành dịch vụ của vùng chiếm tỷ trọng 46,2% kinh tế vùng. Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%, đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng tiêu chuẩn, hiệu quả và bền vững. Kinh tế biển đã có bước phát triển khá, vai trò các khu kinh tế ven biển ngày càng tăng, thu hút được nhiều dự án công nghiệp động lực trong lĩnh vực dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo...
Tổng thu ngân sách nhà nước của khu vực miền Trung trong giai đoạn 2016-2020 đạt 882.198 tỷ đồng. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới giai đoạn 2016-2020, tăng bình quân 7,4%/năm cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước 3,6%), chiếm 14,34% số DN thành lập mới trong giai đoạn của cả nước. Số vốn đăng ký chiếm 12% cả nước; Tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động của Vùng so với cả nước tăng liên tục duy trì ở mức bình quân trên 18%. Nhìn chung DN các tỉnh miền Trung có quy mô nhỏ và vừa, mức vốn đăng ký bình quân 8,8 tỷ/doanh nghiệp...
Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung
Mặc dù, kinh tế các tỉnh miền Trung đã đạt được nhiều kế quả vượt bậc, song vẫn còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong việc phát triển kinh tế bền vững. Khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Động lực tăng trưởng nói chung và DN nói riêng còn yếu và thiếu... Phát triển công nghiệp còn thiếu các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo… Sự thiếu hoàn thiện của kết cấu hạ tầng bao gồm cả phần cứng và phần mềm đang là rào cản cho sự phát triển của DN khu vực miền Trung. Vai trò của DN trong phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung được thể hiện thông qua những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức sau:
Điểm mạnh: Hiện nay, các DN khu vực miền Trung đã nhận thức ngày càng sâu sắc và toàn diện về kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số tập đoàn tư nhân lớn đã tăng trưởng vượt bậc, có khả năng cạnh tranh ở trong nước và thế giới. Trình độ quản trị công ty, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình ngày càng được cải thiện. Một số DN đã chuyển đổi, tận dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy quá trình tự động hóa, kinh doanh và quản trị để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
Điểm yếu: Đa số DN hoạt động trên địa bàn miền Trung là DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ với trình độ công nghệ hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động, đặc biệt DN hoạt động trong lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải biển… Các DN thiếu tính gắn kết, các Hiệp hội chưa nâng cao sức mạnh và vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và nâng cao năng lực kinh doanh của DN trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài. Đa số DN có quy mô vốn nhỏ, khả năng đổi mới và sáng tạo thấp, nên khả năng chống đỡ với các yếu tố bất lợi còn yếu...
Cơ hội: Xu hướng thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại đã mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng DNViệt Nam, trong đó có các DN khu vực miền Trung về thị trường xuất khẩu (dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản…), về cân bằng các quan hệ thương mại với các thị trường trọng điểm, tránh quá lệ thuộc vào một thị trường khu vực nhất định, tìm kiếm hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trong và ngoài khu vực. Các DN nhập khẩu Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể từ cắt giảm thuế quan, các rào cản thương mại, thủ tục hải quan và tiết kiệm đến 5% chi phí giao dịch thương mại, tạo điều kiện hạ giá thành và từng bước cải thiện khả năng cạnh tranh của DN.
Trong khi, môi trường vĩ mô, chính trị, xã hội ổn định; Kinh tế tư nhân tiếp tục được Đảng và Nhà nước xác định là động lực phát triển của nền kinh tế. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% và sẽ tăng lên tới 50% vào 2035 sẽ làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các DN cần nắm bắt cơ hội đón đầu...
Thách thức: Các xu thế mới như dân túy, bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa đang nổi lên, chiến tranh thương mại là hiện hữu gây khó khăn cho hoạt động kinh tế, thương mại, tỷ giá của các nước, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Rào cản thuế quan giảm mạnh, các rào cản phi thuế quan, những biện pháp kỹ thuật tăng lên khá nhiều, theo đó DN Việt Nam buộc phải cạnh tranh bình đẳng với DN các nước thành viên. Một số hàng hóa tiêu dùng gặp khó khăn khi xuất khẩu…
Trong khi, mức độ sẵn sàng của DN Việt Nam đối với Cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức trung bình thấp. Hợp tác thương mại xuyên biên giới cũng như tiếp cận thị trường quốc tế đòi hỏi nhiều yếu tố về pháp lý, văn hoá xã hội, tín dụng, con người và cơ chế. Năng lực quản trị yếu, hoạt động tài chính chưa minh bạch, lao động có kỹ năng và tay nghề thiếu hụt, năng suất lao động thấp… cũng là một trong những yếu tố kìm hãm việc tăng năng lực sản suất cũng như xuất khẩu của DN Việt Nam nói chung, DN khu vực miền Trung nói riêng.
Nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung
Để DN khu vực miền Trung vượt qua những khó khăn, thách thức; nắm bắt được những yếu tố thuận lợi, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của đất nước, thời gian tới cần quan tâm triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể:
(i) Khai thác và phát triển thị trường nội địa: Hỗ trợ, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày - các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu của thị trường trong nước, trước hết là các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thiết yếu, vừa phục vụ quá trình chống dịch vừa thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất của các ngành hàng theo hướng tăng cường nội lực.
Đồng thời, tổ chức hoạt động hiệu quả lực lượng quản lý thị trường; triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 sau khi được thông qua. Xây dựng đồng bộ các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường trong thương mại, các biện pháp phi thuế quan, tự vệ, khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, thuế tiêu thụ đặc biệt,
(ii) Cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu: Khuyến khích, hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các DN bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid -19, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích DN tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi dịch bệnh được kiểm soát, thông qua các biện pháp như: Hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ; Hoàn thiện các quy định quản lý xuất xứ hàng hóa bảo đảm tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu bài bản, nghiêm túc; Tạo điều kiện, hỗ trợ DN đáp ứng quy tắc và tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, tận dụng được lợi thế từ EVFTA, CPTPP, đồng thời phòng ngừa hiệu quả các hoạt động gian lận thương mại. Hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí xuất, nhập khẩu hàng hóa.
(iii) Cơ cấu khu vực DN để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh: Hỗ trợ các DN thuộc một số ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như dệt may, kim loại chế tạo, ô tô cơ cấu lại nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh phụ kiện. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.
Có chính sách phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng (cơ khí, chế tạo, năng lượng...), ngành chiến lược có lợi thế cạnh tranh (như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, chế tạo thông minh...). Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các tập đoàn kinh tế lớn trong nước trong lĩnh vực công nghiệp (cơ khí, chế tạo, điện máy...) có vai trò dẫn dắt phát triển ngành và có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Đồng thời, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực DN Việt.
Thứ hai, có giải pháp để hỗ trợ khuyến khích các DN khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, quản lý. Đây cũng chính là nhóm DN có nhiều tiềm năng kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các DN, cụ thể: Thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây; Thúc đẩy thương mại điện tử; Thúc đẩy tài chính kỹ thuật số; Đẩy nhanh quá trình số hoá trong kết nối giữa Nhà nước với DN.
Thứ tư, Nhà nước cần sử dụng các nền tảng số để “tiếp thị chính sách” như cách tiếp thị số mà các DN đang thực hiện một cách có hiệu quả. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các DN tư nhân vừa và nhỏ do họ có nguồn lực hạn chế về nhân sự nên không thể thường xuyên theo dõi những thay đổi chính sách. Cần sử dụng các phần mềm để phân loại và gửi tự động các đường dẫn gắn với các chính sách đặc thù cho các nhóm DN phân theo ngành nghề, quy mô.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghi lộc (2020), Miền Trung đón cơ hội từ EVFTA, Thời báo Ngân hàng;
2. Vỹ Tuấn (2019), Kinh tế miền Trung: Làm gì để thoát khỏi "điểm nghẽn"?, enternews.vn;
3. Thế Phong (2019), Tiềm năng và thành tựu phát triển kinh tế miền Trung, Chinhphu.vn.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021