Vai trò của thị trường vốn trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam 2016 – 2020
Trong những năm qua, thị trường vốn (trọng tâm là thị trường chứng khoán) đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, phát triển mạnh mẽ và bền vững, phục vụ tốt cho việc tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới, cần thiết thực hiện một số giải pháp đồng bộ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kênh huy động vốn quan trọng
Tại Việt Nam, trong những năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã phát triển với sự gia tăng nhanh chóng cả quy mô và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK, 2 sở giao dịch chứng khoán tập trung, một sàn giao dịch chứng khoán OTC, một trung tâm lưu ký quốc gia, gần 700 công ty cổ phần niêm yết, 144 công ty giao dịch trên sàn UPCOM, hơn 100 công ty chứng khoán (CTCK), 46 công ty quản lý quỹ, gần 1,3 triệu tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cơ sở hạ tầng giao dịch được nâng cấp liên tục, các quy định về tiêu chuẩn niêm yết được nâng cao, quy định về đảm bảo trách nhiệm công bố thông tin, tách bạch quản lý tài sản, giám sát giao dịch được xây dựng và ban hành, khung pháp lý cho nhiều sản phẩm mới được xây dựng.
Qua một chặng đường dài, TTCK đã có sự tăng trưởng và xác lập mặt bằng vững chắc. Xét về các phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Thị trường phát triển theo chiều hướng tăng trưởng, mặc dù xen kẽ có những năm điều chỉnh giảm do tác động của nền kinh tế thế giới hay các chính sách của nhà nước. Mức vốn hóa thị trường cuối năm 2014 đạt khoảng 1.156.000 tỷ đồng, tương đương 32,24% GDP. Giá trị niêm yết và giá trị giao dịch bình quân 1 phiên đều có sự gia tăng nhanh chóng. Hoạt động huy động vốn qua TTCK duy trì ở mức cao. Năm 2014, toàn bộ thị trường đã có 1.240 loại chứng khoán niêm yết, trong đó bao gồm 671 doanh nghiệp niêm yết, 1 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết, 1 chứng chỉ quỹ ETF và 567 trái phiếu niêm yết, cao gấp 30 lần so với năm 2005 và gấp 2 lần so với năm 2010. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2014 đạt 237.000 tỷ đồng, tăng gấp 44 lần so với năm 2005 và gấp 2,4 lần so với năm 2010 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tổng giá trị huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ là chủ yếu, chiếm tỷ trọng khoảng 90% tổng giá trị vốn huy động.
Bên cạnh đó, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) – chủ thể quan trọng của thị trường đã gia tăng nhanh chóng, bùng nổ trong những năm 2008 -2010. Riêng vốn điều lệ của các công ty này đã tăng trưởng khá cao, vừa đáp ứng các nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, vừa tuân theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, đến năm 2014 đã có sự thay đổi lớn khi UBCKNN thực hiện tái cấu trúc các CTCK để đạt hiệu quả cao hơn. Việc tái cấu trúc các công ty này dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá phân loại CTCK, trên cơ sở đó tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể. Tính đến tháng 9/2014 đã có 20 CTCK chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số CTCK thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL. Theo đó, đã phân loại các CTCK thành các nhóm A, B, C, D, E để từ đó có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm và tiến hành kiểm tra đối với các CTCK nằm trong nhóm D, E để tiếp tục tái cấu trúc trong thời gian tới.
Để tạo môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, các sản phẩm mới bước đầu triển khai, đặc biệt trong năm 2014, bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm ETF, sẽ sớm triển khai thí điểm Quỹ hưu trí tự nguyện, Quỹ hưu trí bổ sung. Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án về xây dựng và phát triển TTCK phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh để trình Chính phủ. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho việc triển khai các sản phẩm mới, tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn cũng như góp phần đưa TTCK Việt Nam phát triển ở một tầm cao mới, khẳng định vai trò quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế nước nhà.
Giải pháp phát triển thị trường vốn giai đoạn 2016-2020
Để TTCK phát triển mạnh mẽ và bền vững, phục vụ tốt cho việc tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn mới, bên cạnh các điều kiện đã hội tụ về nhu cầu của nền kinh tế, các bên giao dịch, cơ sở pháp lý, hệ thống giao dịch và sự hoạt động của các tổ chức trung gian, các chủ thể liên quan đến việc đưa ra chiến lược, định hướng phát triển thị trường cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán (CTCK) và hiện đại hóa cấu trúc thị trường theo các hướng như: Tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; Cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% CTCK trong nước; Hợp nhất các Sở giao dịch Chứng khoán và phát triển, phân định các khu vực thị trường: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để nâng cao vị thế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực ASEAN; Đào tạo, tuyên truyền quảng bá về thị trường và các sản phẩm mới.
Thứ hai, điều phối các cơ hội chào bán phù hợp với nhu cầu thanh khoản trên thị trường.
Các nhà đầu tư với mức độ rủi ro khác nhau sẽ quan tâm đến các cơ hội ở các phân khúc, ngành nghề khác nhau trên thị trường. Việc có được sự quan tâm của nhà đầu tư là rất khó, để phát triển liên tục thì phải duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư bằng các cơ hội đầu tư hấp dẫn, có chất lượng, phù hợp với chiến lược của họ. Việc chào bán thêm cổ phần của các công ty niêm yết, đặc biệt là các cuộc đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được các bên tham gia điều phối thị trường sắp xếp thời gian hợp lý, tạo được sự chú ý với sự kiện, tránh tạo ra sự khô kiệt thanh khoản trên thị trường hay thừa cung quá mức tại một thời điểm nhất định.
Thứ ba, quan tâm đến lợi nhuận và quyền lợi của nhà đầu tư
Các nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phần với mục đích kiếm lợi nhuận tương ứng với những rủi ro mà họ chấp nhận khi nắm cổ phần trong tay. TTCK chỉ phát triển được khi các bên giao dịch đạt được mục đích của mình, tức là công ty huy động được vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và nhà đầu tư hưởng lợi nhuận đầu tư mong đợi, tính trên bình diện chung toàn thị trường qua một khoảng thời gian trung hạn hợp lý. Điều này đòi hỏi áp dụng các quy định chặt chẽ về trách nhiệm minh bạch, công bố thông tin khi phát hành cổ phiếu và đòi hỏi các công ty trung gian cung cấp dịch vụ phải hành động một cách chuyên nghiệp, vì lợi ích của bên do mình đại diện và xây dựng danh tiếng của mình trên cơ sở tôn trọng pháp luật và vì sự phát triển của thị trường.
Thứ tư, nâng cao tính minh bạch và áp dụng thông lệ quản trị tiến tiến đáp ứng nhà đầu tư vì mục đích phát triển lâu dài.
Tăng cường minh bạch thông tin bởi việc công bố thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên tham gia thị trường. Việc thông tin cung cấp không đầy đủ và kịp thời sẽ gây ra những nhận định thiếu chính xác và gây thiệt hại đến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp, tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin, sự lành mạnh và bền vững của thị trường. Thông tin cung cấp cần đảm bảo tính minh bạch, chính xác, có ý nghĩa và kịp thời tới các cơ quan quản lý, đối tác, nhà đầu tư và cộng đồng.
Đối với các công ty huy động vốn cần xác định được con đường phát triển lâu dài và cách hành xử bình đẳng với các bên tham gia trên thị trường vốn, đây là con đường tất yếu để phát triển công ty lên tầm cao mới. Do vậy, ngay khi có cơ hội, công ty cần nâng cao tính minh bạch và áp dụng các thông lệ quản trị tiên tiến. Điều này cũng là quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Thứ năm, công ty nhận đầu tư cần sẵn sàng phát triển đội ngũ cán bộ điều hành chủ chốt, đổi mới quản lý đáp ứng sự phát triển của công ty một cách hợp lý và phù hợp với nguyện vọng của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư luôn kỳ vọng vào sự đổi mới tiến bộ của công ty mà họ đầu tư, trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư có những hợp tác để giúp công ty phát triển. Các công ty nhận đầu tư cần sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện những yêu cầu đổi mới hợp lý để phát triển công ty như nắm bắt một cơ hội của mình cùng với sự tham gia của nhà đầu tư mới.
Thứ sáu, phát triển thị trường thứ cấp có chất lượng và thực hiện lộ trình niêm yết theo đúng thông lệ tạo cơ sở tốt cho việc huy động vốn trên thị trường sơ cấp. Trước tiên, cần triển khai nâng hạng TTCK trên bảng MSCI để nâng cao uy tín trên TTCK quốc tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn nhiều rào cản, cần tháo gỡ nút thắt đầu tiên là nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các công ty niêm yết có sở hữu nhà nước; đồng thời cũng nghiên cứu xây dựng Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư.
Thị trường vốn của Việt Nam (trọng tâm là TTCK) với định hướng phát triển kinh tế thị trường của đất nước, sự vận động tích cực của các tổ chức quản lý và các bên tham gia thị trường sẽ có những bước phát triển quan trọng trong những năm tới. Sự thăng trầm trong sự phát triển của thị trường vốn sẽ song hành cùng với sự vận động của các chỉ số chứng khoán trong từng giai đoạn. Thị trường này có đủ năng lực, vai trò để phục vụ tốt có sự nghiệp tái cấu trúc nền kinh tế của đất nước hay không một phần quan trọng phụ thuộc vào nhà quản lý và chủ thể tham gia trên thị trường này.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết TTCK của UBCKNN;
2. TS. Bùi Kim Yến (2013), Giáo trình TTCK, NXB Lao động xã hội;
3. PGS., TS. Lâm Chí Dũng - Quản lý và giám sát thị trường tài chính.