Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp
Tiếp cận dòng vốn ưu đãi vẫn đang là vấn đề “đau đầu” của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn trong việc tiếp cận vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mất đi các cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, cơ chế và giải pháp nào cho doanh nghiệp tiếp cận được với dòng vốn ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh luôn là chủ đề được thảo luận tại các diễn đàn kinh doanh, đón nhận sự quan tâm không chỉ của khối doanh nghiệp mà của toàn xã hội.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu tính theo quy môdoanh nghiệpcó vốn nhỏ hơn 100 tỷ đồng và lượng nhân công lao động dưới 300 người thì tại Việt Nam hiện có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò tích cực và là 1 trong 4 động lực tăng trưởng, có tốc độ phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù thời gian qua, NHNN đã rất nỗ lực, xây dựng và triển khai nhiều chương trình tín dụng mang tính đột phá để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế. Song, việc tiếp cận dòng vốn ưu đãi vẫn đang là vấn đề “đau đầu” của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động gia tăng mạnh và phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đó cho thấy, việc có các cơ chế hỗ trợ cho đối tượngdoanh nghiệp này là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù, việc tiếp cận nguồn vốntín dụng đã được thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng “ngân hàng thừa tiền, còn doanh nghiệp thiếu vốn”.
Theo thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có tới 30% doanh nghiệp “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “khó tiếp cận”. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng chỉ có 5 - 10% số doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn.
Nguyên nhân là do một số tổ chức tín dụng tập trung tái cơ cấu nên chưa thể cho vay nhiều; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công còn chậm. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách như bảo lãnh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay vốn chưa được đẩy mạnh và cho vay tín chấp chưa nhiều, khiến nhu cầu vay và sức hấp thụ vốn còn yếu.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức như Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp… kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay; từ đó, cường khả năng cho vay tín chấp; tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy hình thức cho vay này.
Đơn cử như, trong bối cảnh hoạt động cho vay tín chấp còn hạn chế, VPBank đã chủ động đẩy mạnh hoạt động này. Theo ông Fung Kai Jin - Phó Tổng Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa VPBank cho biết: “VPBank luôn xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là một phân khúc khách hàng quan trọng đối với sự tăng trưởng chiến lược dài hạn của ngân hàng. Trong năm 2015, VPBank sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội và đặc biệt là các gói giải pháp tài chính tòan diện cho doanh nghiệp”.
VPBank bắt đầu thí điểm dòngsản phẩmcho vay tín chấp doanh nghiệp vào năm 2014 và chính thức triển khai vào đầu năm 2015. Cho tới thời điểm hiện nay, đây là dòng sản phẩm cho vay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục sản phẩm cho vay doanh nghiệp của VPBank, tăng trưởng 120% so với cuối năm 2014.
Đồng bộ chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để có những giải pháp đồng bộ về chính sách tháo gỡ vốn khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Vũ Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN khẳng định, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ - ngân hàng, căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, đó là: Điều hành lãi suất theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm đạt mục tiêu giảm dần mặt bằng lãi suất, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế…
Từ đầu năm 2012 đến nay, NHNN đã liên tục hạ trần lãi suất huy động để các tổ chức tín dụng có cơ sở giảm lãi suất cho vay, đồng thời áp dụng trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh, phổ biến ở mức 7 - 10%/năm, bằng khoảng 40% mức lãi suất cuối năm 2011, tạo điều kiện giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kiến nghị, để các chính sách của NHNN đi vào thực chất hơn nữa, thời gian tới, NHNN cần tính đến việc tiếp tục giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra một chính sách nới lỏng “room” tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. “Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn” - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo dự báo của TS. Võ Trí Thành -Phó Viện trưởngViện Nghiên cứu và Quản lý kinh tếTrung ương, hiện dự địa ưu tiên chính sách tín dụng không còn nhiều, tín dụng chỉ có thể tăng khoảng 13,7%, chứ không thể tăng lên 30% như trước đây được.
Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, 5 đến 6 tháng nữa sẽ không thể giảm thêm lãi suất, bởi lạm phát cao, đồng USD đang lên giá và những năm sau đó vẫn tiếp đà lên giá. Theo ông Võ Trí Thành, trong bối cảnh tổng đầu tư xã hội giảm bởi ngân sách khó khăn, các doanh nghiệp nên tự tìm cơ hội cho mình từ việc Việt Nam ký kết FTA, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN+6, trong các ngành phân phối, bán lẻ, giải trí, logictis, kết nối hạ tầng.
Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của các tập đoàn kinh tế thế giới, do đó doanh nghiệp cũng nên tận dụng và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Thành cũng cho rằng, lĩnh vực phù hợp nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là các ngành về công nghệ thông tin, công nghệ xanh và ngành công nghiệp sáng tạo.
Đồng tình với quan điểm trên, song ông Fung Kai Jin cho rằng, để có thể khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, trước hết, cả hai bên cần xác định rõ mối quan hệ này là đối tác kinh doanh bền vững lâu dài.
Theo đó, các doanh nghiệp cần cải thiện tính minh bạch trong báo cáo tài chính bằng cách cung cấp đầy đủ các thông tin và thường xuyên tương tác với ngân hàng. Còn phía ngân hàng, cần tiếp tục phát triển các giải pháp tiên tiến, với báo cáo tài chính minh bạch, ngân hàng có thể đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro để có thể mở rộng cửa vay vốn cho các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh việc NHNN cần tiếp tục kiên định chủ trương của mình trong việc tái cấu trúc nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, các ngân hàng thương mại cần triển khai mạnh mẽ việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của NHNN. Muốn như vậy, bản thân ngân hàng cũng phải minh bạch để có thể đồng hành, giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ ngân hàng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xác định 2015 là năm bản lề cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và đây cũng là“năm vì doanh nghiệp”, trong những tháng cuối năm, ngành Ngân hàng tập trung: Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng như cho vay thu mua, tạm trữ thóc gạo; cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay thí điểm theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chương trình tín dụng liên kết 4 nhà…
Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; triển khai quyết liệt các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh hoạt động tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; ngoài ra, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm lãi vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kéo dài thời hạn cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn…
Hơn nữa, NHNN tích cực phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cùng tìm cách tháo gỡ nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
NHNN cũng đề xuất, tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các định chế tài chính tham gia dự án như Dự án tài chính doanh nghiệp nông thôn của ADB, Chương trình tài chính vi mô của Tây Ban Nha, Dự án tài chính nông thôn của WB, Dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Chính phủ Nhật Bản tài trợ…
Ngoài những định hướng điều hành chính sách tín dụng của NHNN trong những tháng cuối năm 2015, TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng đưa ra một số gợi ý đối với doanh nghiệp.
Theo đó, để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các nghiệp cũng cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh; tái cấu trúc kinh doanh nhằm tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định.
Bên cạnh đó, tăng cường tính liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là giữa doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và cùng phát triển bền vững; đa dạng hóa nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc duy nhất vào nguồn tín dụng ngân hàng; tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng.
Xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả; tham gia các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý và kinh doanh, tìm kiếm sự hợp tác trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp để tận dụng nguồn lợi của nhau cùng phát triển.