Vai trò ngành học toán - tin trong phát triển kinh tế số

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2019

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã nhấn mạnh vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đẩy mạnh kinh tế số, nhằm mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc phát huy vai trò của các trường đại học trong đào tạo, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chuyên ngành Toán - Tin trình độ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu thế phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, kinh tế kỹ thuật số (còn gọi là kinh tế internet, kinh tế web, kinh tế mới) là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế kỹ thuật số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng. Về đặc trưng, kinh tế số có thể được tập hợp trong 3 quá trình xử lý chính đan xen với nhau, bao gồm: Xử lý vật liệu, xử lý năng lượng, xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất.

Về bản chất, kinh tế số là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Theo các chuyên gia công nghệ, nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao; các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh; hoạt động thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe)... đều phát triển. Ở tầm vĩ mô hơn, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

Trên thế giới, kinh tế số dần được phổ cập khi mật độ điện thoại thông minh đạt mức trên 50% vào cuối những năm 2000. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuối những năm 2010. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, kinh tế số đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh.

Trên thế giới, kinh tế số dần được phổ cập khi mật độ điện thoại thông minh đạt mức trên 50% vào cuối những năm 2000. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuối những năm 2010. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, kinh tế số đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), hiện nay Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có 37% dân số sử dụng mạng xã hội (trong đó 73% có tương tác phục vụ công việc); người tiêu dùng số mới tăng trưởng đều đặn trung bình 63% mỗi năm; thời gian sử dụng Internet trung bình khoảng 4 giờ/ngày; giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông tăng đều đặn hằng năm… Điều này tạo nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số.

Vai trò của chuyên ngành Toán - Tin trong phát triển kinh tế số

Kinh tế số đang trở thành xu thế phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với phát triển kinh tế số ở mỗi quốc gia là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về công nghệ thông tin, đặc biệt được đào tạo sâu về chuyên ngành Toán - Tin. Thực tế cho thấy, các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đều có đội ngũ chuyên gia về Toán - Tin đông đảo, được đào tạo bài bản. Các trường đại học tại các quốc gia này cũng rất quan tâm và đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ Toán - Tin để phục vụ yêu cầu công việc của thị trường tuyển dụng và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Đó cũng chính là lí do tại sao các quốc gia này lại sản sinh ra nhiều DN lớn, có quy mô và ảnh hưởng đến toàn cầu như Microsoft, Apple, Samsung...

Vai trò ngành học toán - tin trong phát triển kinh tế số - Ảnh 1

Trong thời đại số và kinh tế số hiện nay, con người ngày càng ứng dụng rộng rãi các phương pháp toán học và khoa học máy tính vào nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế, bảo mật, quản lý, ra quyết định và thiết lập các hệ thống phức tạp... Chẳng hạn, trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, hệ thống giao dịch tiền điện tử, trong đó có hệ thống rút tiền tự động ATM sẽ không thể vận hành nếu thiếu các công cụ đảm bảo an toàn thông tin mà cốt lõi là các thuật toán mã hóa.

Trong lĩnh vực Viễn thông, mạng điện thoại được vận hành thông suốt là do đóng góp không nhỏ của thuật toán đơn hình giải các bài toán quy hoạch tuyến tính. Trong lĩnh vực Y tế, các máy chụp cắt lớp hiện đại sẽ không ra đời nếu không có phép biến đổi ngẫu nhiên cùng với các phương pháp giải phương trình với số biến khổng lồ... Bên cạnh đó, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhờ Toán học, các tổ chức, DN có được các công cụ định lượng và định tính để phân tích một khối lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data) qua đó có được cách tiếp cận khoa học và tìm ra lời giải cho các vấn đề của mình… Từ những ứng dụng thực tế đó, vai trò của Toán - Tin ngày càng được khẳng định quan trọng hơn bao giờ hết trong đời sống xã hội, đặc biệt trong phát triển kinh tế số.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và khoa học công nghệ, vai trò của toán học và khoa học máy tính cũng như nhu cầu nhân lực ngành Toán -Tin ngày càng gia tăng. Theo một nghiên cứu xếp hạng 200 công việc ở Mỹ vào năm 2014, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Toán - Tin có cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều hơn các ngành khác, thậm chí có không ít công việc có thu nhập cao và môi trường làm việc tốt đều liên quan đến chuyên ngành Toán - Tin như: Ngành Toán chiếm vị trí số một, Thống kê chiếm vị trí thứ ba, thứ tư là Kiểm toán, Kĩ sư công nghệ phần mềm xếp thứ bảy, Quản trị hệ thống máy tính đứng thứ tám…

Trong thời gian qua, nhiều công ty được xây dựng trên cơ sở toán học, đặc biệt là các công ty cung cấp giải pháp công nghệ hoặc tài chính (chứng khoán, bảo hiểm...), đã mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán - Tin, sinh viên có thể tìm được việc làm tại các ngân hàng, trung tâm phân tích tài chính, cơ quan kiểm toán thống kê, các công ty tin học, cơ quan tài chính của Nhà nước (Tổng cục Thống kê, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm…) hoặc các công ty tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, kế toán...). Ngoài ra, các kỹ sư, cử nhân Toán – Tin cũng có thể công tác trong nhiều ngành nghề có sử dụng kiến thức Toán học ứng dụng và Tin học như: Kỹ sư phần mềm, lập trình viên, chuyên viên nghiên cứu và phát triển (R&D), nhà phân tích hệ thống, chuyên gia tin học, chuyên viên phân tích, thống kê, chuyên viên dự báo, quản trị rủi ro, thẩm định đầu tư, định phí bảo hiểm, giảng viên đại học..

Để đáp ứng yêu cầu này của DN và xã hội, nhiều trường đại học trên thế giới đã mở các khoa toán ứng dụng và khoa học tính toán. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều trường đại học, trong đó có trường Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh đã mở ra chuyên ngành Toán - Tin nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này phục vụ phát triển của đất nước.

Khảo sát tại các cơ sở đào tạo đại học có thể thấy những nét đặc trưng của chuyên ngành đào tạo Toán - Tin. Theo đó, sinh viên được trang bị kiến thức về cả hai mảng Tin học và Toán học ứng dụng, được rèn luyện tư duy logic, tư duy chiến lược, khả năng nhận thức, khả năng tổ chức và quản lý điều hành. Về Tin học, sinh viên được trang bị những kiến thức và kĩ năng thực hành để có thể đáp ứng được công việc của một kỹ sư phần mềm và lập trình viên. Về Toán học, sinh viên được trau dồi tư duy lôgic, được cung cấp các phương pháp, công cụ dùng để mô hình hóa và giải quyết các bài toán thực tiễn trong thống kê, phân tích, dự báo, mô phỏng… Cụ thể, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về toán học, toán học ứng dụng như giải tích hàm, đại số đại cương, xác suất thống kê, các phương pháp tối ưu, toán tài chính, phương trình đạo hàm riêng, giải tích phức, điều khiển tối ưu, phân tích số liệu, mô hình mô phỏng các hệ sinh thái… Sinh viên cũng được cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành về khoa học máy tính như kỹ thuật lập trình, cơ sở dữ liệu, hệ điều hành, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, phân tích và thiết kế hệ thống, mật mã, an toàn máy tính, đồ họa...

Một số vấn đề đặt ra

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và khoa học công nghệ, vai trò của toán học và khoa học máy tính cũng như nhu cầu nhân lực ngành Toán tin ngày càng tăng, vì vậy ngành học này đang trở thành một ngành xu thế trong tương lai.

Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Toán - Tin là yêu cầu bắt buộc khi mà cách thức xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống hiện nay sẽ cần dựa vào công nghệ vi tính với các thuật toán, đặc biệt là khi công nghệ nhân tạo và tự động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo chuyên ngành Toán - Tin tại các trường đại học nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế số cũng cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề sau:

Đối với cơ quan quản lý

Cần bám sát và triển khai thực hiện phát triển kinh tế số theo chủ trương, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, trong đó tập trung vào một số nội dung quan trọng như:

Vai trò ngành học toán - tin trong phát triển kinh tế số - Ảnh 2

- Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, DN công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số; Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công – tư; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: Công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh...

- Dựa trên chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế số, từ đó đưa ra các nhiệm vụ giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó có giải pháp đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành Toán - Tin tại các trường đại học hiện nay.

Đối với các cơ sở đào tạo đại học

-Các trường cần rà soát chương trình đào tạo, đưa vào các kiến thức về toán học, thống kê, công nghệ thông tin phù hợp với từng ngành học đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng với công việc trong điều kiện của Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Toán Tin thông qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đổi mới và nâng cấp các kiến thức mới gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình đào tạo cần có lộ trình phù hợp, gắn với dự báo nhu cầu tuyển dụng của DN và từng giai đoạn của nền kinh tế số.

- Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với các trường đại học tại các quốc gia có nền kinh tế số phát triển để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo tại các trường.

Đối với chương trình đào tạo

- Chương trình đào tạo cần gắn với thực tiễn cuộc sống, trong đó cần chú ý đến các xu hướng lớn trong nền kinh tế số.

- Chương trình đào tạo cần được cập nhật thường xuyên nhằm theo kịp nhu cầu phát triển cũng như xu thế sử dụng lao động của xã hội. Trong chương trình học, cần tạo điều kiện để sinh viên làm quen hoặc thậm chí là thành viên tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong khuôn khổ một dự án, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp trường… Từ đó, sinh viên có thể trau dồi được khả năng tư duy sáng tạo độc lập, khả năng làm việc tập thể đa ngành và khả năng thích nghi tốt với các biến động, đổi mới liên tục của khoa học và công nghệ.

Đối với sinh viên

Thực tế cho thấy, việc tốt nghiệp chuyên ngành Toán - Tin giúp sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm dễ dàng phù hợp với chuyên ngành học, đặc biệt các công việc liên quan đến tài chính – ngân hàng. Chẳng hạn, đối với chuyên viên phân tích đầu tư tại các công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán hay ngân hàng, để thành công trong lĩnh vực này, phải có kiến thức toán học, khả năng đánh giá mức độ rủi ro và tính toán giá trị của các khoản đầu tư khác nhau cũng như kỹ năng phân tích các kết quả đã nghiên cứu. Hoặc như với chuyên viên phân tích ngân sách, khi các cơ quan chính phủ, các công ty nghiên cứu hoặc các tổ chức học thuật cần phải quyết định cách phân bổ kinh phí giữa các dự án khác nhau, họ thường tìm tới các nhà phân tích ngân sách. Các chuyên gia này phân tích các chi phí gắn liền với các đề xuất ngân sách khác nhau và xác định tác động tiềm năng của chúng đối với tình trạng tài chính tổng thể của một tổ chức để từ đó đưa ra các khuyến nghị tài trợ dựa trên những phát hiện của họ...

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, yêu cầu đặt ra đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng khá cao. Theo đó, sinh viên phải có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Toán học, Toán học ứng dụng và Tin học để đáp ứng tốt các công việc đặc thù của liên ngành Toán - Tin và các ngành có liên quan như: Có khả năng mô tả, tính toán và mô phỏng quản lý các hệ thống, các quá trình công nghệ, xây dựng các phần mềm ứng dụng; Có khả năng nghiên cứu, phân tích và đưa ra giải pháp cho một số vấn đề trong kỹ thuật, kinh tế, tài chính; Có khả năng thiết lập cơ sở lý thuyết của vấn đề, mô hình hóa Toán học và tìm cách giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực đa dạng và luôn biến đổi của thực tế...     

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

2. Nhật Hồng (2018), Cần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành toán kinh tế trong trường đại học, báo Dân trí điện tử;

3. Phong Nguyễn (2019), Cách nào để kinh tế số chiếm trên 30% GDP?, Báo Lao động điện tử;

4. Trọng Đạt (2019), Chuyển đổi số và hiện trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam, Báo Vietnamnet điện tử;

5. Vị trí Việt Nam trong nền kinh tế số hóa toàn cầu?, Truy cập từ: https://idtvietnam.vn/vi/vi-tri-viet-nam-trong-nen-kinh-te-so-hoa-toan-cau-676.