Vận tải lao đao vì dịch bệnh
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trong cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, có lẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Đợt dịch lần thứ 4 này càng làm cho các doanh nghiệp vận tải lao đao, điêu đứng và đứng bên bờ vực phá sản.
Đến nay, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Kon Tum đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho 62 đơn vị (so với năm 2016 tăng 26 đơn vị), trong đó có 13 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và 57 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá với 1.130 phương tiện (trong đó có trên 212 xe chạy tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh; 66 xe chuyên hợp đồng; 365 xe tải, 181 xe đầu kéo, 7 xe công ten nơ, 267 xe taxi và 32 xe buýt).
Có lẽ, chưa bao giờ hoạt động vận tải hành khách lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên hiện tại các tuyến vận tải hành khách cố định từ tỉnh Kon Tum đi các tỉnh thành khác và ngược lại đều đã tạm dừng hoạt động. Thực trạng đó khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đơn cử như Công ty TNHH Minh Quốc là một trong những đơn vị vận tải hành khách lớn nhất tỉnh Kon Tum hiện nay, với vài chục đầu xe giường nằm chuyên chạy tuyến cố định các tỉnh miền Trung và miền Nam, giải quyết việc làm cho hơn 130 lao động có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát (nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này) và diễn biến phức tạp, nên tất cả các tuyến vận tải cố định đã phải tạm dừng hoạt động. Toàn bộ phương tiện đành để đắp chiếu, hàng chục người lao động không có việc làm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đơn vị không có doanh thu, người lao động không có thu nhập. Đây có thể nói là thời điểm khó khăn nhất trong gần 15 năm hoạt động của đơn vị.
Ông Đoàn Thế Tiến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc chia sẻ: Trước đây, khi dịch chưa bùng phát, mỗi ngày công ty có gần 20 lượt xe xuất bến với khoảng 600 hành khách nhưng hơn 2 tháng nay các tuyến vận tải dừng hoạt động, hàng chục chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng để phơi nắng, phơi mưa khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
“Xe không hoạt động thì đơn vị không có doanh thu, người lao động cũng giảm thu nhập. Trong khi đó, mỗi chiếc xe giường nằm trị giá hơn 4 tỷ đồng thì có đến 70% là vốn vay ngân hàng, với mức lãi suất dao động từ 8,5 - 10%. Chỉ tính riêng tiền gốc và tiền lãi hàng tháng, công ty phải trả ngân hàng tiền tỷ. Đó là chưa kể các khoản chi phí cố định như trả lương nhân viên, chi phí bến bãi, bảo trì phương tiện, phí đường bộ... Đây là bài toán quá khó khăn đối với doanh nghiệp”- ông Tiến cho hay.
Trước khó khăn đó, ông Tiến cũng đề xuất, kiến nghị mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện có chính sách giảm lãi suất, khoanh nợ và giãn thuế, đồng thời ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp trụ vững trong thời kỳ khó khăn này.
Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, Công ty TNHH MTV Tân Anh có hơn 30 đầu xe, trong đó có 20 xe tải, 12 xe khách giường nằm, hiện nay chỉ vài chiếc xe tải còn hoạt động để vận chuyển hàng hóa, còn tất cả xe khách giường nằm đều dừng hoạt động, để “đắp chiếu”, phơi nắng, phơi mưa và thực trạng đó khiến doanh thu của đơn vị sụt giảm đến gần 90% so với trước đây.
Ông Đinh Khắc Tấn - Phó Giám đốc Công ty cho biết: Xe không chạy, doanh thu không có mà hàng tháng đơn vị vẫn phải trả lương để giữ chân đội ngũ lái xe. Trong khi đó, với số lượng phương tiện và nhân công như vậy mỗi ngày đơn vị cũng phải mất 200 triệu tiền chi phí các loại (kể cả tiền lãi ngân hàng). Thực tế đó làm cho doanh nghiệp vận tải chúng tôi rất khó khăn.
“Chúng tôi mong rằng Nhà nước có các chính sách tháo gỡ khó khăn, được giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp và được tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi, gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua cơn đại dịch này” - ông Tấn đề xuất.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa, các hãng taxi cũng không nằm ngoài vòng xoáy của dịch bệnh. Theo tìm hiểu các đơn vị hoạt động vận tải bằng xe taxi như Mai Linh, Sun… trên địa bàn tỉnh, do đại dịch doanh thu hàng tháng sụt giảm đến hơn 80%. Các đơn vị phải xoay vòng cho lái xe nghỉ luân phiên, nên đời sống của người lao động rất khó khăn.
Theo Sở Giao thông Vận tải, trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, lao đao và đứng bên bờ phá sản bởi đại dịch.
Vì vậy, trên cơ sở nắm tình hình, kiến nghị của các doanh nghiệp, Sở đã đề nghị Sở Tài chính Kon Tum kiến nghị cơ quan chức năng có các chính sách về thuế, chính sách trong việc trả lãi vốn vay ngân hàng để hỗ trợ các đơn vị vận tải phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế.