"Vàng trắng" tăng giá
Những tháng đầu năm 2022, giá mủ cao su tại các sàn giao dịch tăng mạnh. Đây là tín hiệu vui cho bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh và giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cao su giao dịch tại các sàn chủ chốt châu Á tăng trở lại. Trong nước, giữa và cuối tháng 2/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước vẫn ở mức khá, không có nhiều biến động.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2022 ở mức 1.718 USD/tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, đây là kết quả của việc Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Ví dụ như việc mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế đang góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su toàn cầu trong năm 2022.
Triển vọng ngành cao su năm 2022 rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo.
Năm 2021, năng suất cao su của Việt Nam đạt khoảng 1.682 kg/ha, tiếp tục đứng đầu châu Á, vượt các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… Với sản lượng mủ trong năm đạt 1,2 triệu tấn, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trên thế giới, chiếm thị phần 8,7%; và xuất khẩu đạt 1,9 triệu tấn, chiếm 17,4% thị phần toàn cầu.
Đắk Nông là một trong những tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng trồng cao su của cả nước. Những năm qua, khi giá mủ cao su giảm mạnh, nhiều hộ dân, nhất là những hộ có vườn cho năng suất, chất lượng mủ thấp, đã chuyển đổi sang các cây trồng khác. Diện tích cao su của tỉnh đã giảm 1.000 ha so với năm 2018.
Tuy nhiên cũng có nhiều hộ vẫn kiên trì bám trụ bằng cách giảm chi phí nhân công, giảm phân bón để duy trì vườn cao su. Đắk Nông hiện có trên 24.100 ha cao su, sản lượng năm 2021 đạt khoảng 31.200 tấn.
Việc giá cao su những tháng cuối năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022 tăng lên báo hiệu những tín hiệu vui cho người trồng cao su. Bà con có thêm động lực tiếp tục đầu tư chăm sóc, phòng bệnh cho cao su phát triển tốt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) hiện có gần 2 ha cao su. Những năm qua, dù giá cao su xuống thấp nhưng với tâm lý vững vàng, ông vẫn chăm sóc cây trồng này. Lý giải điều này, ông Nam cho rằng, nhu cầu cao su của thế giới ít bị ảnh hưởng nhiều, dài hạn bởi các yếu tố khách quan. Và với sự phát triển của công nghiệp hóa toàn cầu thì việc bám trụ với cây cao su theo ông là một lựa chọn không sai.
Cũng theo ông Nam, để vượt qua thời gian giá cao su giảm sút, ông đã giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2, tức 2 ngày cạo mủ 1 lần sang D3, D4, tức cách 3 - 4 ngày cạo mủ 1 lần.
Hiện vườn cây đã bước vào thời kỳ kinh doanh chính, nên chất lượng mủ đạt cao. Ông Nam phấn khởi cho biết: "Tôi hiện bán mủ cao su với mức giá dao động khoảng 320-350 đồng/độ, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%".
Giá cao su đang dần phục hồi, tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Đắk Nông cũng khuyến cáo, nhà nông không nên vội vàng mở rộng diện tích, tránh lặp lại “cung vượt cầu” như trước đây.