Vay nợ cũng phải có tiềm lực
(Tài chính) Hơn lúc nào hết, các ngân hàng là nơi mong muốn doanh nghiệp (DN) trụ vững được trong giai đoạn khó khăn hiện nay để vượt qua khủng hoảng. Nhưng để vay vốn tín dụng, mỗi DN phải có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp và giá trị đối ứng đảm bảo tiền vay, chứ không thể khi cần vốn thì mang hồ sơ đến ngân hàng đề nghị vay vốn mà không có cơ sở chứng minh được tiềm năng tài chính nội tại của mình.
Nợ cũ còn đó
Trong báo cáo của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh mới đây, nhiều DN nhỏ và vừa (DNNVV) phản ánh họ luôn phải vay vốn với lãi suất cao so với những DN cùng ngành nghề khác, mặc dù lãi suất thời gian qua đã giảm rất nhanh. Trong tỷ trọng các khoản vay cũ lãi suất còn trên 13%/năm có một tỷ lệ lớn thuộc về các DNNVV.
Ông Nguyễn Phụng Kiều, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Sài Gòn cho biết, hiện đang khó giải tỏa số căn hộ đã đầu tư nhiều năm trước, do tín dụng nhà ở chưa tăng trưởng như mong muốn.
Trong khi đó, một DN khác cho rằng, phần lớn những công ty nhỏ khi không có tài sản thế chấp vốn vay ngân hàng mới tìm đến các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV để kỳ vọng được vay tín chấp. Thế nhưng, các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV cũng đưa ra yêu cầu phải chứng minh năng lực tài chính và phương án tài sản đảm bảo cho khoản vay thì mới quyết định bảo lãnh cho DN vay vốn. Cụ thể, một điều kiện rất khắt khe đối với việc được bảo lãnh vay vốn của DNNVV là phải có tài sản thế chấp tại ngân hàng, giá trị tương đương ít nhất bằng 15% khoản vay.
Theo các chủ DN thì trước đây, nếu chưa đủ tài sản đảm bảo vay vốn tín dụng, ngân hàng thường giới thiệu cho các công ty đến quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV xin “quyền trợ giúp”. Nhưng gần đây, thị trường khó khăn nên không nhiều DN được tư vấn đi tìm một tổ chức trung gian như quỹ bảo lãnh để hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, do gánh nặng nợ vay cũ chưa trả được trong khi không vay được vốn mới, nhiều DN chỉ có thể sản xuất cầm chừng để duy trì thị trường và bảo toàn lực lượng. Thời gian qua, nhiều DN cổ phần không thể chia cổ tức hoặc chia ở mức rất thấp, thậm chí trả lợi tức bằng cổ phiếu. Qua khảo sát thực tế, gần đây một số DNNVV có nhu cầu vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh mới, có hiệu quả. Nhưng khi tính toán huy động nguồn tài chính cho dự án thì DN đã cạn kiệt tài sản đảm bảo nợ vay. Thậm chí, chính chủ DN đó cũng đang còn khoản nợ vay ngân hàng chưa thể trả được nợ.
Ông Huỳnh Văn Minh cho rằng, các chính sách hỗ trợ cho những DNNVV trong giai đoạn khó khăn vừa qua phát huy tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh rất chậm. Theo đó, để giải quyết khúc mắc này, một số DN đề xuất, ngành Ngân hàng nên tiết giản tối đa những điều kiện vay vốn để đẩy nhanh vốn ra thị trường và tạo điều kiện cho những dự án tốt nhưng thiếu tài sản đảm bảo vẫn có thể đi vào sản xuất. Bên cạnh đó, các NHTM nên thiết kế những gói tín dụng đầu tư trang thiết bị, đổi mới máy móc với cách tiếp cận vốn tốt nhất cho DN.
Không thể cho vay sai nguyên tắc
Về nguyên tắc tín dụng, tài sản đảm bảo cho khoản tiền vay được coi như một hình thức phòng ngừa hoặc hạn chế thiệt hại khi có rủi ro trong quan hệ tín dụng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng cho vay cũng được tạo lập bởi nguồn huy động của xã hội, việc kinh doanh của ngân hàng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc trong kinh doanh tiền tệ nên không thể sử dụng vốn huy động cho vay tùy tiện.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho rằng, đến thời điểm này ngân hàng có thể kiểm soát được nợ xấu của các khoản vay mới, nhưng nợ xấu vẫn gia tăng ở khoản vay cũ. Đồng thời, chuyển biến của các nhóm nợ cũng nhanh, kéo theo nợ nhóm 5 tăng. Trong xu thế nợ xấu có dấu hiệu tăng, đồng thời việc phát mãi tài sản thế chấp cũng không dễ dàng, nên không ngân hàng nào mạnh dạn cho DN vay mà không có tài sản thế chấp vào lúc này.
Trong một báo cáo của BIDV mới đây, nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 69% trong tổng nợ xấu của ngân hàng. Nếu như năm qua, VietinBank được xem là điển hình của ngành Ngân hàng khi đạt mức lợi nhuận trước thuế ở mức cao thì nợ dưới chuẩn của VietinBank cũng tăng cao hơn, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng tới 66%. SHB cũng có nợ nhóm 5 luôn chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là do thể trạng sức khỏe của DN suy giảm nên ngân hàng không thể kỳ vọng sẽ giải quyết dứt khoát gốc và lãi của từng con nợ trong một thời điểm nhất định, mà phải cần khoảng thời gian tương đối dài.
Hơn lúc nào hết, các ngân hàng là nơi mong muốn DN trụ vững được trong giai đoạn khó khăn hiện nay để vượt qua khủng hoảng. Nhưng để vay vốn tín dụng, mỗi DN phải có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp và giá trị đối ứng đảm bảo tiền vay, chứ không thể khi cần vốn thì mang hồ sơ đến ngân hàng đề nghị vay vốn mà không có cơ sở chứng minh được tiềm năng tài chính nội tại của mình.