Vay tiền mặt càng cao, rủi ro càng lớn
Gần đây, chuyện NHNN lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính khiến thị trường dấy lên một số quan ngại về việc vay tiền tiêu dùng...
Bởi, ngoài những nội dung chặt chẽ hơn với hoạt động đòi nợ, dự thảo mới có quy định một số nội dung mang hàm ý siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính.
Cụ thể, theo quy định mới, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp với khách hàng vay đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, một điểm quan trọng khác là dự thảo đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt không quá 30% tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính.
Thực ra, những lo ngại này là có thực vì gần đây tiêu chí hoạt động của các công ty tài chính là phát triển chủ yếu cho vay tiền mặt. Đối với người vay, họ cũng thích vay tiền mặt để tuỳ ý chi tiêu thay vì vay mua trả góp hàng hoá như trước đây.
Theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán HSC, tỷ lệ cho vay tiền mặt cao nhất thuộc về FE Credit với khoảng 80%. Hai công ty giữ thị phần đứng sau là HD Saison và Home Credit có tỷ lệ lần lượt khoảng 40% và 50%. Một tân binh mới có tỷ lệ cho vay tiền mặt cũng được đánh giá là cao mới bổ sung vào thị trường nữa là Easy Credit.
Một số ý kiến cho rằng, những quy định mới trong dự thảo có thể ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, qua đó tạo “đất sống” cho tín dụng đen. Bởi, khi người vay khó vay tiền mặt tại các công ty tài chính lại tiếp tục quay lại vay ở thị trường đen. Đối với việc này, một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sẽ còn quá sớm để nói đến mức độ ảnh hưởng của dự thảo mang lại cho thị trường.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là tỷ lệ vay tiền mặt càng cao thì mức độ rủi ro cũng tăng cao khiến NHNN phải đưa ra một giới hạn trong dự thảo thông tư mới quản lý hình thức cho vay này. Có điều, trong dự thảo mà NHNN đưa ra, việc kiểm soát hình thức vay mới này, không chỉ chấn chỉnh hình thức cho vay bừa bãi của một số công ty tài chính, mà còn rất cần thiết để “loại trừ” đối tượng vay không đủ chuẩn. Còn người có nhu cầu vay thực sự, vẫn có thể vay tài chính bình thường tại các công ty tài chính chính thống.
Nói như vậy, có nghĩa là đối với những người có nhu cầu vay tiền mặt tại các công ty tài chính, vẫn được giải quyết nhanh chóng vì các công ty tài chính vẫn xác định cho vay tiền mặt có hoặc không có đảm bảo và phát hành thẻ tín dụng là sản phẩm chủ đạo của họ trong năm 2019. Thậm chí, nếu tìm hiểu có thể tìm thấy vài đơn vị còn hứa hẹn rằng người vay không phải đích thân đến nộp hồ sơ vay hoặc nhận giải ngân.
Còn đối với hình thức vay qua thẻ tín dụng, thì tính đến nay có 3 công ty tài chính tiêu dùng đang cung cấp thẻ tín dụng bao gồm JACCS, FE Credit và Home Credit. Như vậy, người vay có rất nhiều cơ hội để vay tiền mặt, vì có rất nhiều đơn vị cho vay tiền mặt chính thống vẫn tìm mọi cách cho vay đối với người có nhu cầu.
Nói về hình thức vay, dù có dự thảo mới hay không, thì người vay vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện vay theo chuẩn mà NHNN quy định. Đó là, vay tiền mặt tại công ty tài chính cũng được tính là tín chấp vì hình thức vay này không cần tài sản đảm bảo; số vốn vay tối đa là 100 triệu đồng.
Theo đó, điều kiện tiên quyết là khách hàng có thể chứng minh thu nhập của mình đảm bảo trả được các khoản nợ, và đáp ứng được các điều kiện vay vốn của các tổ chức vay đưa ra. Cụ thể, tiêu chí đầu tiên bên cho vay sẽ xem xét đó là khả năng trả nợ của người vay. Thông thường, công ty tài chính sẽ không bắt người vay tiền phải chứng minh thu nhập, nhưng qua những thông tin có được từ người vay, bên cho vay sẽ tính toán được khoản nợ phải trả hàng tháng của người vay là bao nhiêu.
Nếu số nợ vượt quá 40% tổng thu nhập trong tháng thì bên cho vay sẽ từ chối ngay. Các công ty tài chính tuy cần khách hàng nhưng họ phải tính toán sát sao về khả năng thanh toán của khách hàng đó nhằm đảm bảo quyền lợi của họ, nhưng mặt khác cũng giúp khách hàng không gặp quá nhiều áp lực trả nợ.
Ví dụ, theo tính toán mà công cụ Gobear đưa ra, một nhân viên văn phòng với thu nhập hàng tháng là 20 triệu đồng (con số đã được ngân hàng/công ty tài chính xác nhận khi thu thập hồ sơ). Số nợ phải trả ở tất cả các nơi cho vay không vượt quá 40% tổng thu nhập, tức là 20 triệu đồng x 40% = 8 triệu đồng. Nếu người vay không có dư nợ ở đây thì có thể dễ dàng được cấp hạn mức vay ngay tiền mặt.
Tuy nhiên, nếu người vay đang phải vay ở ngân hàng X với số tiền phải trả hàng tháng là 4 triệu đồng, nghĩa là người vay còn được vay mượn ở tổ chức khác với số tiền tối đa chia ra mỗi tháng là 4 triệu đồng thì việc vay mới có thể sẽ được công ty tài chính xem xét lại.
Nhìn chung, mỗi tổ chức tài chính có những điều kiện cho vay khác nhau, mà người đi vay bắt buộc phải thỏa mãn trước khi được rót vốn, hoặc muốn vay thêm. Các khách hàng nằm trong nhóm có dư nợ tín dụng xấu dù có dự thảo mới hay không chắc chắn sẽ không được xét duyệt hồ sơ. Và nếu người vay đã từng vay tín chấp vài lần trước đây với lịch sử tín dụng tốt, luôn trả nợ đúng hạn thì khả năng hồ sơ xin vay được duyệt luôn cao.
Tóm lại, người vay phải tìm hiểu để chọn được công ty tài chính phù hợp nhất. Chọn đúng nơi vay sẽ tiết kiệm cho mỗi người nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, điều mà người vay cần quan tâm nhất vẫn là trước khi nộp hồ sơ xin vay, người vay phải tự đánh giá khả năng thanh toán của mình để quyết định khoản vay phù hợp, đảm bảo trả được các khoản nợ, gồm khoản vay đang có và khoản vay mới. Thông thường, hồ sơ xin vay tiền mặt với mục đích rõ ràng như mua sắm vật dụng, kinh doanh nhỏ có sinh lời sẽ được duyệt một cách dễ dàng.