Venezuela có đang vỡ nợ?
Mặc dù hai hãng xếp hạng tín nhiệm S&P và Fitch tuyên bố Venezuela đã “vỡ nợ một phần”, song quốc gia này phủ nhận và cam kết trả nợ có trách nhiệm.
Nợ “khủng” của Venezuela có thể lên đến 150 tỷ USD
Vào ngày 13/11, Chính phủ Venezuela đã lỡ hạn trả lãi vay trị giá 200 triệu USD từ 2 khoản trái phiếu chính phủ, qua đó bị công ty xếp hạng tín nhiệm S&P tuyên bố chính thức vỡ nợ với 2 khoản trái phiếu này.
Trước đó, nước này đã lỡ khoản thanh toán lãi vay 420 triệu USD từ khoản nợ của Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA.
Sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014, Venezuela đã gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nần lâu hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư. Tổng thống Nicolas Maduro cuối cùng đã phải thừa nhận thất bại trong việc thanh toán các khoản vay quốc tế và tuyên bố đất nước cần tái cơ cấu lại các khoản tín dụng này.
Hiện nay, tổng cộng Venezuela cần phải thanh toán các khoản nợ và lãi vay lên đến 150 tỷ USD. Trong đó có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của PDVSA, 23 tỷ USD nợ Trung Quốc và 8 tỷ USD nợ Nga. Đây sẽ là một vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử.
Từ nay tới cuối năm, Venezuela phải trả số tiền lãi cho các chủ nợ vào khoảng 1,4 - 1,8 tỷ USD.
Trái phiếu của Venezuela đang rớt giá thảm hại và chỉ được tính bằng cent. Giá trái phiếu đáo hạn vào tháng 10 năm 2018 với tổng trị giá 2,5 tỷ USD đã mất 1/5 giá trị và giao dịch ở mức 25,7 cent.
Ngoài nợ công, Venezuela còn chịu áp lực từ lệnh trừng phạt quốc tế, trong đó có lệnh trừng phạt của EU vì cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đồng thời, một số nước châu Mỹ La-tinh đã kêu gọi quốc tế gia tăng những biện pháp trừng phạt như cấm du lịch hay đóng băng tài sản hoặc cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela.
CNN cho biết dự trữ tiền tệ của Venezuela sắp cạn kiệt, chỉ còn lại 10 tỷ USD, một số tiền dùng để bình ổn nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, trong số 10 tỷ USD ấy thì có đến 7 tỷ USD là vàng thỏi khiến việc thanh toán trở nên khó khăn hơn.
Gánh nặng nợ tăng thêm vì giá dầu tụt dốc
Một trong những nguyên nhân khiến Venezuela vỡ nợ do giá dầu thấp trong 3 năm qua gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn tiền trả nợ, đặc biệt là hãng dầu lửa quốc gia PDVSA. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của nước này đã xuống thấp nhất trong 15 năm. Giá dầu giảm mạnh khiến việc thanh toán nợ của Venezuela ngày càng chật vật.
Cụ thể, hầu hết các khoản nợ Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ - nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia Nam Mỹ này.
Trung Quốc bắt đầu cho Venezuela vay các khoản tiền khổng lồ vào năm 2007 với 50 tỷ USD. Sau khi tới thăm Bắc Kinh tháng 1/2015, Tổng thống Maduro nói rằng đã đem về cho Venezuela thêm “khoản đầu tư” khác trị giá 20 tỷ USD. Kể từ năm 2007 đến 2014, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 63 tỷ USD, chiếm tới 53% tổng số tiền Bắc Kinh cho các nước Mỹ La-tinh vay trong cùng giai đoạn. Bắc Kinh cũng đã đồng ý cho Caracas vay hầu hết các khoản tiền và trả nợ bằng dầu. Đó là khi giá dầu dao động ở mức 100 USD/thùng.
Nhưng đến tháng 1/2016, khi giá dầu tụt xuống chỉ còn 30 USD/thùng, Venezuela đành phải chấp nhận xuất khẩu gấp đôi lượng dầu sang Trung Quốc để trả nợ. Chính quyền Tổng thống Maduro đã phải vắt cạn túi tiền của tập đoàn dầu khí PDVSA, nơi được coi là “cỗ máy in tiền” lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ nhiều tài nguyên dầu này.
Theo tờ Dawn News, thu nhập từ dầu mỏ của Venezuela vào năm 2016 chỉ khoảng 77 triệu USD, giảm 4.200% so với con số 3.317 tỷ USD vào tháng 1/2010 khiến dự trữ ngoại hối của Venezuela liên tiếp sụt giảm. Venezuela thậm chí không thể tu sửa nổi các giàn khoan dầu hay trả lương cho công nhân.
Tái cơ cấu nợ gặp nhiều khó khăn
Tổng thống Venezuela Maduro đã thành lập một uỷ ban để tái cấu trúc lại khoản nợ công và tái cấu trúc lại cả tập đoàn dầu khí PDVSA. Khả năng tái cơ cấu nợ của nước này cũng còn là một dấu hỏi trước các lệnh trừng phạt của Mỹ về việc nhiều tổ chức tài chính quốc tế tuyên bố ra đi.
Ngày 31/7/2017, Chính quyền Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt Tổng thống Nicolas Maduro, nhằm phản ứng trước cuộc bầu cử hội đồng lập hiến. Theo lệnh trừng phạt, tất cả tài sản của ông Maduro tại Mỹ bị phong toả và người Mỹ bị cấm giao dịch kinh tế với ông. Lệnh trừng phạt thể hiện sự phản đối của Mỹ với các chính sách từ chế độ Tổng thống Maduro. Mỹ cho rằng chỉ có lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và tài chính là cách duy nhất tác động đến chính sách của nước này.
Theo hãng tín nhiệm Fitch Rating, quá trình tái cấu trúc nợ của PDVSA chắc chắn sẽ kéo dài, do những quyết định cấm vận tài chính của Mỹ. Thanh khoản của công ty này sẽ tiếp tục suy yếu do nhiều khoản nợ tới hạn và giá dầu chưa phục hồi đủ mạnh. PDVSA hiện đang đối mặt với khả năng sẽ bị các chủ nợ tịch thu các lô dầu khí hoặc các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài, đặc biệt là ở chi nhánh ở Mỹ, Citgo.
Venezuela nói không vỡ nợ
Mặc dù đánh giá của S&P và Fitch là Venezuela vỡ nợ. Song, bản thân Tổng thống Nicolas Maduro trước đó khẳng định, quốc gia này sẽ không bao giờ vỡ nợ và cho biết đang đàm phán với các đối tác Trung Quốc và Nga. Moscow và Caracas đã thương lượng trong nhiều tháng về các điều khoản của thỏa thuận tái cơ cấu nợ.
Theo đó, ngày 15/11 tại Moscow, Bộ Tài chính Nga đã ký thoả thuận về tái cơ cấu khoản nợ 3,15 tỷ USD cho, giúp Venezuela giảm áp lực nợ tăng cao.
Phía Nga cho biết, thoả thuận giữa hai nước sẽ cho phép Venezuela phân bổ nhiều nguồn lực tài chính hơn cho phát triển kinh tế. Khoản tiền 3,15 tỷ USD nêu trên sẽ được trả “tối thiểu” trong khoảng thời gian 6 năm đầu tiên.
Đây là lần thứ hai Nga tái cấu trúc các khoản nợ của Venezuela sau khi đồng ý một lượng gia hạn hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Venezuela đã không thể trả nợ vì khủng hoảng kinh tế giữa lúc giá dầu bị tác động tiêu cực, trong khi dầu mỏ lại chiếm tỷ trọng quá lớn trong ngành xuất khẩu của nước này. Tập đoàn Rosneft của Nga cũng thể hiện sự hỗ trợ bằng việc cung cấp hàng tỷ USD trả trước cho các đơn vị cung ứng dầu mỏ của Venezuela.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 14/11, Chính phủ Venezuela cũng cam kết hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ với các chủ nợ nước ngoài bất chấp đánh giá của Fitch và S&P. Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez khẳng định, nước này đã bắt đầu thực hiện thanh toán lãi suất các khoản vay cho các chủ nợ nước ngoài sau khi vòng đàm phán tái cơ cấu nợ giữa Venezuela với các chủ nợ được khởi động từ ngày 13/11. “Chúng tôi đã trả nợ bất chấp đánh giá của các cơ quan xếp hạng tín dụng, Mỹ hay Liên minh Châu Âu (EU)”, ông Rodriguez nhấn mạnh.