Vì sao Ấn Độ đối diện với khủng hoảng thiếu tiền mặt trầm trọng?
Đồn đoán xung quanh việc luật mới sẽ quy định rằng người gửi tiền sẽ phải chịu mọi thiệt hại nếu ngân hàng có vấn đề liên quan đến nợ xấu khiến người Ấn Độ lo sợ.
Giới chức Ấn Độ đang cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt giống như cuộc khủng hoảng từng xảy ra vào tháng 11/2016 khi chính phủ Ấn Độ cấm sử dụng, lưu hành tiền mệnh giá lớn. Khi đó, nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Á đã rơi vào hỗn loạn.
Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã rơi vào thế bị động khi nhu cầu tiền mặt tại một số bang của nước này trong vài ngày qua bất ngờ tăng mạnh, nhiều cây ATM bị rút cạn kiệt cả tiền.
Trong ngày thứ Ba, chính quyền cố gắng bình ổn tâm lý cho khách hàng tại các ngân hàng bằng cách trấn an họ rằng chính quyền sẽ in thêm tiền để ngăn cuộc khủng hoảng quy mô lớn.
Dù chính phủ Ấn Độ khẳng định rằng tình trạng thiếu tiền mặt chỉ giới hạn trong một số bang ví như Andhra Pradesh, Bihar, Telangana, Karnataka và Madhya Pradesh, nhưng thông tin về tình trạng khan tiền mặt đang gây ra nhiều sự hoảng sợ tại nhiều khu vực khác của Ấn Độ.
Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley chỉ ra nguyên nhân của việc thiếu tiền mặt này là do nhu cầu tiền mặt tại một số khu vực trong đất nước Ấn Độ tăng bất ngờ. Chỉ trong 13 ngày đầu tháng 4/2018, nhu cầu tiền mặt tại Ấn Độ tăng thêm 450 tỷ rupee, tương đương 6,84 tỷ USD. Chính phủ tin rằng một lượng lớn đồng 2.000 rupee đang bị gom bởi loại tiền này không được phát hành phổ biến.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ công bố sẽ đẩy mạnh in loại tiền này tại cả bốn nhà máy in tiền, dù thực ra trong kho vẫn còn đủ tiền.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, chính những yếu kém của hệ thống ngân hàng nước này là nguyên nhân của tình trạng thiếu tiền mặt. Tại hai bang của Ấn Độ là Andhra Pradesh và Telangana, rất nhiều người đã rút mạnh tiền bởi lo sợ về tác động của luật tài chính và bảo hiểm tiền gửi mới.
Theo Economic Times của Ấn Độ, luật mới sẽ quy định rằng người gửi tiền sẽ phải chịu mọi thiệt hại nếu ngân hàng có vấn đề liên quan đến giải quyết nợ xấu.
Trên thực tế, những lo ngại về ngành ngân hàng Ấn Độ đang ngày một tăng cao hơn bởi ngành đang trải qua quá trình điều chỉnh trong bối cảnh nợ xấu tồi tệ hơn.
CEO của ngân hàng tư nhân Axis lớn thứ 3 tại Ấn Độ, bà Shikha Sharma, đã tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay.
Bà muốn từ chức trước khi nhiệm kỳ làm việc của bà kết thúc bởi mới đây Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã muốn áp mức phạt mới lên những ngân hàng để xảy ra tình trạng nợ xấu.
CEO của ngân hàng ICICI, ông Chanda Kochhar, cũng đang bị điều tra.
Tại Ấn Độ hiện tại, tình trạng thiếu hụt tiền mặt đang tác động xấu đến nhiều nhà bán lẻ và nông dân bởi người làm việc trong những ngành này thường giao dịch bằng tiền mặt.
Cuộc khủng hoảng cũng gây ra nhiều mối lo với chính phủ bởi chính phủ luôn khuyến khích người dân giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt. Năm 2016, chính phủ Ấn Độ từng cấm sử dụng tiền mệnh giá lớn chỉ sau một đêm nhằm ngăn tiền đen và tích lũy tài sản và khuyến khích sử dụng thanh toán điện tử.