Vì sao APEC 2018 lại rơi vào cảnh bế tắc?
Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC thường niên kết thúc mà không đạt được sự thỏa thuận chung về thông cáo vào hôm Chủ nhật (18/11). Nguyên nhân là do sự cạnh tranh căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã “bao phủ” toàn bộ tiến trình thoả thuận.
Tuần lễ đầy căng thẳng
Tuần lễ Cấp cao APEC 2018 đã diễn ra từ ngày 12-18/11/2018 với sự chủ trì của Thủ tướng nước Papua New Guinea, ông Peter O’Neill. Hội nghị Cấp cao APEC 2018 được diễn ra vào hôm thứ Bảy (17/11) với chủ đề tập trung vào “Tận dụng các cơ hội bao trùm, phát huy tương lai số” nhằm tiếp tục tăng cường liên minh khu vực, kết nối toàn diện, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế mạng và kinh tế số, cải cách cơ cấu…
Tuy nhiên, đi ngược lại với tinh thần và mục tiêu của hội nghị, Hội nghị Cấp cao APEC đã diễn ra với màn đối đầu gay gắt giữa hai thành viên Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Tại Hội nghị, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều liên tiếp công bố các dự án tài trợ riêng biệt của mình.
Cụ thể, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và New Zealand hứa sẽ đưa ra gói tài trợ dự án trị giá 1,7 tỷ USD để đưa điện và internet tới nhiều nơi trên đất nước Papua New Guinea, nơi có dưới 20% dân số trên tổng số 8 triệu người được kết nối với lưới điện. Kế hoạch này là một phần trong sự nỗ lực phối hợp của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc triển khai dự án đầy tham vọng “Vành đai và Đường bộ” nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á và các nơi khác. Trung Quốc cũng cam kết tài trợ 4 tỷ USD để tài trợ cho mạng lưới đường quốc lộ đầu tiên của Papua New Guinea.
Không chỉ dừng ở đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn tung ra những lời cáo buộc và sự đáp trả mạnh mẽ với nhau.
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã phát động một cuộc tấn công vào dự án “Vành đai và Đường bộ” của Trung Quốc, cảnh báo các quốc gia không nên bị quyến rũ bởi dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của nước này. Các khoản vay “đục” đi kèm với các “khoản nợ đáng kinh ngạc”, ông nói.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ còn đưa ra những lời cáo buộc Trung Quốc rằng “nhấn chìm các đối tác của chúng tôi trong một biển nợ” hay “ép buộc, tham nhũng hoặc xâm phạm độc lập nước bạn”, “áp đặt hạn ngạch, tiến hành cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp trên quy mô chưa từng có”.
“Hoa Kỳ sẽ không thay đổi đường lối cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử”, Ông O’Neill tuyên bố.
Đáp trả lại những lời cáo buộc từ phía Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng không một quốc gia đang phát triển nào rơi vào bẫy nợ vì bắt tay với Bắc Kinh.
“Ngược lại, hợp tác với Trung Quốc giúp các quốc gia này nâng cao mức độ và khả năng phát triển độc lập, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương”, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hua Chunying cho biết.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã sử dụng bài phát biểu của mình để “tấn công” chủ nghĩa bảo hộ thương mại “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông Tập nhấn mạnh rằng, đó là một “cách tiếp cận thiển cận” và “đã bị thất bại”.
Và, sự bế tắc của APEC 2018
Khi được hỏi về sự bế tắc của APEC 2018, Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neill nói rằng: "Bạn biết đấy, có hai gã khổng lồ to lớn trong phòng thì tôi còn có thể nói được gì?".
Thay vì đưa ra một tuyên bố mà tất cả 21 nước thành viên tham gia có thể đồng ý, ông O’Neill lại nói rằng ông sẽ đưa ra một “tuyên bố của người chủ trì hội nghị" phản ánh các vấn đề mà các nước tham gia đã đồng ý.
Khi được hỏi thêm về lý do cho sự bế tắc này, ông O’Neill trả lời ngắn gọn “WTO và việc cải cách WTO”.
Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn không hài lòng với những quy định thương mại quốc tế của tổ chức này, đặc biệt là những quy định đang được áp dụng cho Trung Quốc. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trước đó, đã đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức.
Trong Hội nghị lần này, nhà lãnh đạo các nước đã nỗ lực đề xuất những cải cách đối với WTO. Trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ủng hộ WTO một cách rộng rãi.
“APEC không có quyền hạn nào đối với WTO. Đó là sự thật. Vấn đề đó nên được nêu lên ở WTO”, ông O’Neill phát biểu thêm.
Thủ tướng Papua New Guinea cũng cho biết đã có sự bất đồng về "Mục tiêu Bogor" (Mục tiêu Bogor được thông qua từ Hội nghị Cấp cao của APEC lần thứ 2 vào năm 1994, xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đây là mục tiêu ưu tiên và xuyên suốt của APEC). Tuy vậy, ông cũng chia sẻ rằng sự bất đồng này đã được giải quyết.
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên đã khẳng định, đẩy nhanh “Mục tiêu Bogor”, đưa các nền kinh tế trong khu vực trở thành khu vực mậu dịch và đầu tư hàng đầu thế giới vào năm 2020”.
Tại Hội nghị, các bên cũng nhất trí tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm thông qua tương lai số để mang đến những cơ hội hợp tác.
Mặc dù vậy, ông O’Neill nhấn mạnh rằng, không có được sự may mắn như vậy khi đề cập đến chủ đề cải cách WTO.
Vào hôm Chủ nhật (18/11), ông O’Neill cũng cho biết sẽ có tuyên bố chính thức cho Hội nghị APEC 2018 trong những ngày tới.