Vì sao bạn tập luyện thường xuyên mà vẫn lên cân?
Cân nặng luôn là một trong những vấn đề gây đau đầu cho phái đẹp. Nếu bạn luôn thắc mắc tại sao những người xung quanh mình có thể ăn tất cả mọi thứ nhưng không bao giờ lên cân, còn mình thì ngược lại – dù “kiêng khem” nhiều món vẫn bị lên cân, thì hãy xem qua bài viết dưới đây.
Bên cạnh yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và lối sống đóng vai trò không nhỏ đối với trọng lượng cơ thể của mỗi người. Tuy nhiên, nếu cân nặng của bạn tiếp tục tăng không kiểm soát bất kể bạn đã nỗ lực giảm cân thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khoẻ tiềm ẩn trong cơ thể của bạn.
Yếu tố di truyền và sự tăng cân
Cũng giống như các gen di truyền ảnh hưởng đến chiều cao và màu mắt, một số gen di truyền sẽ giúp xác định trọng lượng cơ thể và khả năng tăng hoặc giảm cân. Các nhà nghiên cứu bộ gen người đã xác định một số gen có ảnh hưởng đến sự phát triển chất béo, chỉ số khối cơ thể và sự thèm ăn.
Trong một nghiên cứu trên 5.000 người kéo dài trong 10 năm được công bố trên tạp chí Genes and Nutrition vào năm 2014, các nhà khoa học đã tìm thấy một đột biến gen cụ thể liên quan đến mô mỡ xảy ra ở khoảng một phần ba nữ giới tham gia nghiên cứu. Loại gen đặc biệt được gọi là MMP2 có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo và tăng cân ở những phụ nữ sở hữu loại gen này. Nghiên cứu tương tự đã phát ra rằng 87% tất cả đàn ông có gen đột biến gọi là FTO có nguy cơ tăng cân cao hơn.
Chế độ ăn uống và sự tăng cân
Các gen di truyền không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến nguyên nhân tại sao bạn tăng cân nhanh hơn người khác. Dù những người đàn ông có gen FTO có xu hướng ăn nhiều calo và bị hấp dẫn bởi các loại thức ăn béo và ngọt hơn nhưng không ai có thể thúc ép họ ăn các loại thức ăn nhanh. Vì vậy, có thể nói, chính việc lựa chọn chế độ ăn uống của bạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tăng cân.
Tránh ăn thức ăn hoặc uống thức uống có quá nhiều đường, thay vào đó chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau củ, ngũ cốc… có thể khiến lượng calo hấp thụ không vượt quá nhu cầu cơ thể của bạn.
Đặc biệt, với những ai ăn kiêng, sau đó ngưng và tiếp tục ăn kiêng, nếu liên tục lặp lại chu kỳ này sẽ có khả năng tăng cân nhiều hơn những bạn không ăn kiêng. Chế độ ăn kiêng hà khắc có thể khiến bạn ăn uống mất kiểm soát hơn khi quay trở lại chế độ ăn uống thông thường
Thay vì ăn kiêng hết lần này đến lần khác, bạn nên kiên trì ăn uống theo chế độ phù hợp với đa dạng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để tránh tăng cân.
Việc tập thể dục và sự tăng cân
Nếu bạn tăng cân nhanh hơn so với những người xung quanh, lý do có thể là họ có thói quen luyện tập thể dục thể thao nghiêm túc hơn bạn.
Đối với người trưởng thành, việc tập thể dục đều đặn 150 phút với cường độ vừa phải cộng thêm 75 phút rèn luyện sức mạnh mỗi tuần là khuyến nghị tiêu chuẩn để duy trì cân nặng. Nhưng cũng tuỳ từng trường hợp, có người sẽ cần đến 300 phút tập aerobic để ngăn ngừa việc tăng cân.
Nếu bạn đã tích cực tập thể dục nhưng vẫn bị tăng cân, có thể bạn đã bổ sung quá mức calo sau khi tập luyện mà không nhận ra. Theo Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ (The Academy of Nutrition and Dietetics), một thanh protein có thể tương đương 220 calo hoặc một cốc hỗn hợp hạt và trái cây khô có thể có đến 700 calo.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến cân nặng
Khi bạn trải qua quá trình căng thẳng, lo âu kéo dài hoặc ngủ không đủ giấc, bạn có thể dễ dàng tăng cân hơn những người khác. Sự căng thẳng thường ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm, bạn sẽ cảm thấy muốn ăn các loại thức ăn giúp giải toả căng thẳng – những loại thức ăn không lành mạnh chứa nhiều chất béo và đường.
Sự căng thẳng và lo lắng cũng dẫn đến việc mất ngủ, làm rối loạn chức năng thông thường của nội tiết tố leptin và ghrelin – những hormone báo hiệu cho cơ thể của bạn rằng khi nào bạn nên ăn và khi nào nên dừng lại.
Các phương pháp như tập yoga, hít thở sâu, nghe nhạc hoặc đọc sách có thể giúp bạn giảm cảm giác lo lắng căng thẳng, từ đó vấn đề cân nặng sẽ dễ dàng quản lý hơn.