Vì sao địa phương “e dè” kiểm toán ?

Theo VnEconomy

Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, tất cả báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải được kiểm toán trước khi hội đồng nhân dân phê chuẩn.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước….

Điều đó có nghĩa, việc sử dụng ngân sách của các địa phương hoàn toàn thuộc diện cần được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán. Thế nhưng, trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, có đến 50 % số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã “lọt cửa” Kiểm toán Nhà nước trong việc sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương mình.

Kiểm toán “trách” địa phương

Mặc dù luật đã quy định, Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán ngân sách địa phương, tuy nhiên, kể từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực (năm 2006) đến nay, Kiểm toán Nhà nước chưa nhận được bất kỳ một yêu cầu nào từ phía địa phương trong vấn đề kiểm toán ngân sách địa phương.

Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiểm toán được 50% tỉnh, thành phố, huyện và 15% số xã, phường trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Điều đó cho thấy một thực tế, có đến ½ địa phương trong cả nước đã “xem nhẹ” vai trò của Kiểm toán Nhà nước, trong đó không loại trừ việc thiếu minh bạch trong việc sử dụng, thu - chi ngân sách nhà nước tại nhiều địa phương.

Theo ông Lê Đình Thăng, Phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 1, ngay cả những địa phương được kiểm toán thì việc xử lý những kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng mới chỉ dừng lại ở xử lý tài chính, còn việc xử lý trách nhiệm cao hơn của các cá nhân tổ chức phần lớn vẫn được các địa phương…bỏ qua.

Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến cho các địa phương “né” Kiểm toán Nhà nước là do pháp luật quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Ngoài những quy định trong Luật kiểm toán còn mang tính “chung chung” thì không có một văn bản nào quy định bắt buộc các địa phương phải thực hiện kiểm toán và sử dụng kết quả kiểm toán ngân sách trong hoạt động của địa phương.

Chính những kẽ hở này đã đưa đến một hệ quả là hầu hết các địa phương không những không chấp hành đầy đủ những quy định về kiểm toán mà còn xem nhẹ vai trò của Kiểm toán Nhà nước với tư cách là một công cụ cung cấp thông tin hữu hiệu cho việc quản lý thu - chi ngân sách của địa phương.

Và "lý" của địa phương

Theo ông Hoàng Đình Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều địa phương thiếu “mặn mà” với Kiểm toán Nhà nước là do chính tính chất đặc thù của cơ quan này.

Ông cho rằng, trong khi việc giám sát sử dụng ngân sách địa phương là một chu trình liên tục, bao gồm từ lập ngân sách, phê duyệt, phân bổ, quản lý, sử dụng đến quyết toán ngân sách… thì Kiểm toán Nhà nước chỉ tham gia mỗi khâu hậu kiểm, tức chỉ tập trung vào báo cáo quyết toán ngân sách.

Chính vì vậy, trong hoạt động của mình, Kiểm toán Nhà nước vẫn nặng về phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai trái, vi phạm pháp luật trong quản lý hơn là việc đánh giá tính trung thực, khách quan, công khai minh bạch cũng như hiệu quả của việc sử dụng ngân sách với điều kiện thực tế của địa phương.

Bình luận về ý kiến trên, Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho rằng, đúng là nhiệm vụ của kiểm toán là phải đánh giá được hai mặt tốt xấu của đối tượng được kiểm toán. Tuy nhiên, do thói quen nghề nghiệp của các kiểm toán viên là “vạch là tìm sâu” nên nhiều khi cũng quá chú trọng vào việc tìm ra sai phạm.

Còn theo ông Nguyễn Đình Bàng, Ủy viên thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, một trong những lý do khiến mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và đại phương không hiệu quả là do đơn cơ quan kiểm toán đã xem nhẹ vai trò của hội đồng nhân dân tại địa phương, trong khi cơ quan này là cơ quan quyền lực nhà nước, hiểu rõ nội dung cũng như các đơn vị cần được kiểm toán trên địa bàn.

Thế nhưng, khi Kiểm toán Nhà nước về địa phương thì thông thường chỉ làm việc qua UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn và đơn vị được kiểm toán mà “bỏ qua” hội đồng nhân dân.

Còn theo bà Bùi Thu Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, nguyên nhân khiến cho địa phương “né” kiểm toán là do sự lệch pha trong hoạt động của mỗi bên. Thông thường, các địa phương sẽ phải công bố báo cáo quyết toán của mình vào tháng cuối năm.

Trong khi đó, thời gian để Kiểm toán Nhà nước hoàn thành một báo cáo kiểm toán về thu chi ngân sách trong năm của địa phương cũng phải cần 1-2 tháng. Do vậy, địa phương không thể ngồi chờ kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

“Chỉ khi đổi mới, hoàn thiện được hệ thống pháp luật kết hợp với nỗ lực hết mình của cả hai bên thì mới có  thể đạt được kết quả cao…”, bà Hương nhấn mạnh.