Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam?
Không chỉ đầu tư trực tiếp vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt. Sự dịch chuyển đầu tư này nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời dễ dàng xuất hàng sang Mỹ mà không bị áp thuế.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số dự án, lượt góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ thuộc nước này đang gia tăng rất mạnh.
Cụ thể, cả năm 2018, nhà đầu tư Trung Quốc có hơn 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần hơn 800 triệu USD; trung bình mỗi lượt góp vốn mua cổ phần hơn 777.000 USD (17 tỷ đồng).
Đầu tư bằng nhiều hình thức
Đặc khu Hồng Kông có hơn 127 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng số vốn 1,29 tỷ USD; Trung bình mỗi lượt góp vốn 10 triệu USD.
Đài Loan có 506 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng giá trị hơn 390 triệu USD; trung bình mỗi lượt góp vốn 770.000 USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc đại lục, đặc khu Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan đạt 6,6 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cấp mới chỉ đạt hơn 4,2 tỷ USD, còn lại hơn 2,4 tỷ USD là vốn góp mua cổ phần doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là vì sao nhà đầu tư Trung Quốc lại ồ ạt đổ vốn vào Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Mới đây, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), cho biết ngành gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tuy nhiên, chính những lợi thế này trở thành nguy cơ biến Việt Nam thành nơi "tiếp tay" cho hành vi lẩn tránh thuế của DN nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra quyết liệt.
Một thống kê của HAWA cho thấy, trong năm 2018 có khoảng 65 DN gỗ nước ngoài đã đầu tư chính thức vào Việt Nam, trong đó có tới 23 DN đến từ Trung Quốc.
"Sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của DN chế biến gỗ Trung Quốc diễn ra gần hai năm nay được cho là nhằm hưởng lợi từ các FTA nêu trên. Điều này tạo ra những thách thức cho các DN ngành đồ gỗ – thủ công mỹ nghệ trong nước", ông Hạnh phân tích.
Trong khi đó, ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Hạt điều Gia Bảo (Bình Phước), cho biết nhiều DN Trung Quốc đang rải người đi mua DN Việt, đặc biệt là DN thua lỗ hoặc thiếu vốn. Chính công ty của ông cũng nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư Trung Quốc.
Trước đó, hãng sản xuất đồ gia dụng Man Wah có nhà máy tại Trung Quốc đại lục đã mua lại một DN sản xuất và xuất khẩu sofa của Việt Nam với giá 68 triệu USD.
Hãng in ấn và đóng gói Hung Hing có thị trường chủ yếu tại Trung Quốc đại lục hiện cũng đã mở rộng sang Việt Nam với một nhà máy in ấn và bao bì tại Hà Nội.
Bất lợi cho DN Việt
Theo bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Viện Chiến lược và Chính sách đánh giá tài chính (Bộ Tài chính), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả với những ngành mà Trung Quốc chiếm ưu thế như may mặc, sản xuất linh kiện điện thoại di động. Đó là lý do DN Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Lý do khiến các DN Trung Quốc vào Việt Nam đã thấy rõ, liệu điều này có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung, trong đó có DN Việt Nam?
TS. Nguyễn Văn Lịch, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế (Học viện Ngoại giao Việt Nam), lo ngại khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Mỹ sẽ có chế tài với hàng hóa được sản xuất bằng nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Điều này sẽ rất bất lợi với nhiều hàng hóa của Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta nhập rất nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhất là ngành dệt may.
Một số DN dệt may Việt Nam cho biết gần đây đã có sự dịch chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Số lượng các đối tác Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN dệt may Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Đây cũng là thách thức cho DN Việt Nam trước các áp lực về đất đai xây dựng nhà máy, lao động…
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết Trung Quốc hiện đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép – cắt giảm sản lượng sản xuất, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không đảm bảo môi trường. Vì vậy, các DN thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng về cơ bản, sản xuất thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu, vì vậy Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành thép, có chăng chỉ thu hút đầu tư vào các loại thép cao cấp như thép hợp kim, không gỉ, thép chế tạo.
TS. Nguyễn Anh Thu, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), lo ngại việc DN Trung Quốc sẽ tìm cách đầu tư sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và từ đó lại xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Việt Nam và các nước châu Á có thể bị biến thành "sân sau" của DN Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, hệ quả là có nguy cơ nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ trong tương lai.
Trước những lo ngại trên, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu của Việt Nam trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường đang là một nhiệm vụ khá khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Do vậy, Nhà nước cần không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, lựa chọn dự án FDI phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.
Mặt khác, với DN Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị cần quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường, quyết định cấp vĩ mô của các chính phủ, diễn biến ở các thị trường quan trọng liên quan đến tình hình tài chính, thị trường mua bán hàng hóa tương lai, quyết định của các đối tác thương mại hiện tại và tiềm năng.
Ngoài ra, các DN cần tận dụng triệt để những FTA đang hoặc sẽ có hiệu lực, đặc biệt là đón đầu được EVFTA và CPTPP để chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận dụng cơ hội hoặc tránh tác động không đáng có.
Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài
Nếu nhà đầu tư Trung Quốc gặp khó khăn khi sản xuất trong nước, khi đó họ sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Có nhiều ý kiến lo ngại về dòng vốn của Trung Quốc, tuy nhiên nếu Việt Nam biết lựa chọn, phân biệt dự án nào chúng ta đang cần đi kèm công nghệ tiên tiến sẽ là cơ hội để kinh tế phát triển.
Ts. Nguyễn Văn Lịch - Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế (Học viện Ngoại giao)
DN Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra. Đặc biệt, DN cần thận trọng liên kết hay làm cầu nối thương mại giữa các DN Trung Quốc với thị trường Mỹ để hạn chế rủi ro.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
Sắp tới, Việt Nam cần chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án phù hợp với định hướng. Thu hút đầu tư nước ngoài từ các DN nhỏ và vừa nhưng phải đảm bảo điều kiện về công nghệ và gia nhập mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm.