Vì sao ECB bất ngờ thể hiện quan điểm chính sách cứng rắn?
Quyết định bất ngờ của ECB gây sức ép lên đồng euro và đẩy cao chi phí lãi vay của nhiều nước châu Âu hiện đang chìm trong nợ nần vì như Italy bởi nhà đầu tư dự báo sẽ có ít hỗ trợ từ bên mua nợ nước ngoài.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố sẽ loại bỏ chương trình mua trái phiếu sớm hơn so với kỳ vọng, đồng thời dọn đường cho việc nâng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Thông tin này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và nó cho thấy những thách thức mà châu Âu đương đầu trong việc xử lý cú sốc lạm phát có nguyên nhân trực tiếp từ căng thẳng Nga – Ukraine.
Theo Wall Street Journal, quyết định bất ngờ của ECB gây sức ép lên đồng euro và đẩy cao chi phí lãi vay của nhiều nước châu Âu hiện đang chìm trong nợ nần vì như Italy bởi nhà đầu tư dự báo sẽ có ít hỗ trợ từ bên mua nợ nước ngoài.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo trong cuộc họp báo mới đây rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế khu vực thông qua việc gây sức ép lên thương mại và tâm lý của nhà đầu tư, cùng lúc đó nó đẩy cao lạm phát trong ngắn hạn. Bà Lagarde nói: “Chúng tôi nhận ra rằng có sự bất ổn lớn”.
Hiện tại, ECB phát đi thông điệp rằng cơ quan này tập trung nhiều vào lạm phát cao hơn là các yếu tố tăng trưởng kinh tế. Trong tuyên bố mới đây nhất, ECB cho biết sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu đang được triển khai vào tháng 9/2022 hoặc thậm chí sớm hơn, trong khi đó tuyên bố chính sách trước đó nói đến thời điểm tháng 10/2022 hoặc muộn hơn thế. Động thái của ECB khiến cho nhiều chuyên gia trên thị trường tài chính lo ngại.
“Đó sẽ là một quyết định mà ECB rồi sẽ phải hối tiếc”, chuyên gia kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income – bà Katherine Neiss khẳng định.
Lợi suất trái phiếu của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng sau thông báo mới đây, lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Italy tăng hơn ¼ điểm phần trăm lên 1,919%.Lợi suất thường tăng khi giá trái phiếu giảm.
Đồng euro hạ giá 0,5% so với đồng USD và như vậy đánh mất thành quả tăng sau khi thông báo chính sách của ECB chính thức được công bố. Các chỉ số chứng khoán của nhiều thị trường châu Âu giảm điểm. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,6% còn chỉ số DAX của thị trường Đức mất 3% giá trị.
Tác động lên thị trường cho thấy những khó khăn mà nhiều ngân hàng trung ương lớn đang phải đối mặt, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi mà họ đang cố gắng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát leo thang, giá năng lượng lên mạnh và áp lực từ nước ngoài lên rất cao.
Chuyên gia quản lý quỹ tại M&G Investments ở London, ông Wolfgang Bauer, phân tích: “Việc cố gắng bình ổn thị trường trong khi đó cùng lúc kiềm chế lạm phát tạo ra xung đột về mục tiêu”.
Thực sự đây là một thách thức lớn với khu vực đồng tiền chung châu Âu bởi kinh tế khu vực này vốn đã chững lại kể cả từ trước khi Nga tấn công Ukraine. Căng thẳng Nga – Ukaraine thực sự đã gây ra cú sốc lạm phát cho châu Âu, lục địa có đường biên giới dài và có quan hệ thương mại sâu sắc với Nga trong đó có việc phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Nga.
Kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt hơn bởi xét đến vai trò của nước này trong vai trò nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và tỷ lệ tiết kiệm gia đình cao dù rằng tại Mỹ, lạm phát cao chắc chắn sẽ gây tổn hại đến tiêu dùng người dân và tăng trưởng kinh tế. Fed nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất ¼ điểm phần trăm trong tuần tới.
Tại Frankfurt, ECB đang dọn đường cho việc nâng lãi suất ít nhất một lần trong năm nay, cùng lúc đó duy trì lãi suất chủ chốt ổn định ở mức âm 0,5%. Việc nâng lãi suất sẽ diễn ra ở thời điểm phù hợp sau khi ECB kết thúc chương trình mua trái phiếu và được thực hiện dần dần.