Vì sao FDI vào Việt Nam vẫn chủ yếu từ Châu Á?
Ưu thế về môi trường đầu tư kinh doanh cùng với việc ký kết các FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã khiến Việt Nam trở thành "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư từ các quốc gia Châu Á.
Hàn Quốc "giữ ngôi vương"
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 8 tháng năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết của cả nước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, trong tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký rót thêm 1,43 tỷ USD vào Việt Nam.
Ước tính đến ngày 20/8/2017, các dự án FDI đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Số tiền giải ngân trong tháng 8 đạt 1,25 tỷ USD.
Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp nước ngoài có 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần tại các công ty trong nước, với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,36 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc cam kết đầu tư 6,02 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư, qua đó giữ vững ngôi đầu.
Cuộc rượt đuổi giành “ngôi vương FDI” tại Việt Nam diễn ra sít sao giữa 4 nước châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore. Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc đã 3 lần để tuột vị trí đứng đầu trong các tháng Giêng, Hai và Sáu vào 3 nước còn lại.
Điểm đến lý tưởng
Theo các số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, những quốc gia dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam, cũng là những quốc gia dẫn đầu trong thị trường M&A tại Việt Nam, vẫn là các quốc gia châu Á.
Cụ thể, Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính – ngân hàng. Nhật Bản ưu tiên đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm. Singapore chọn đầu tư vào các thương vụ bất động sản. Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu – hóa chất.
Nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt và cộng sự tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: “Với vốn FDI giải ngân vào Việt Nam qua các năm đều đứng ở mức cao. Điều này phản ánh Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với triển vọng kinh tế sáng sủa hơn một số nước trong khu vực, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện nhất định, đặc biệt khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại và đầu tư song phương và đa phương”.
Một khảo sát mới nhất của ngân hàng United Overseas Bank (UOB) thuộc Singapore mới đây cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hàng thứ hai ASEAN, chỉ sau Singapore (32%), Nhật Bản (29%).
Điểm mà các nhà đầu tư đánh giá cao nhất tại Việt Nam là có nền chính trị ổn định, lao động trẻ, chính sách tiền tệ nới lỏng, lạm phát thấp… Trong khi đó, các nhà đầu tư rất lo ngại về các vấn đề như: Chi phí kinh doanh tăng; Mức độ cạnh tranh gia tăng và Nhu cầu tiêu dùng giảm…đang có dấu hiệu gi tăng tại các nước khác trong khu vực.
Còn theo công bố của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh 2017 tại Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82/190 nước tại khu vực. Theo bản công bố này, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng tới 9 bậc, nhờ sự chuyển biến tích cực trong các tiêu chí thương mại biên mậu, đóng thuế, đặc biệt là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết các FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào thực thi, Việt Nam cùng 1 số các quốc gia ASEAN ngày càng có thêm nhiều cơ hội hướng tới phát triển như một thị trường thương mại toàn diện… Điều này là một “điểm cộng” cho môi trường kinh doanh đồng thời sẽ giúp các nhà đầu tư từ Châu Á có thêm các cơ hội kinh doanh mới.