Vì sao giá dầu thế giới bất ngờ tăng vọt?
Giá dầu thế giới tăng hơn 3% sau khi các nhà đầu tư đón nhận tin tức về hạn chế sản xuất tại mỏ Sharara của Libya.
Theo đó, trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 4/1 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng 2,32 USD, tương đương 3,3%, lên mức 72,7 USD/thùng. Còn dầu Brent tăng 2,36 USD, tương đương 3,1%, lên mức 78,25 USD/thùng. Đáng chú ý là giá dầu WTI ghi nhận mức tăng lớn nhất tính theo ngày kể từ giữa tháng 11/2023.
Trước đó, giá dầu đã tăng vọt khoảng 3% tại phiên giao dịch ngày 3/1, được thúc đẩy bởi sự gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya, làm gia tăng lo ngại căng thẳng ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.
Theo nhà phân tích thị trường cao cấp về Vương quốc Anh và khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) thuộc công ty phân tích và dữ liệu OANDA, ông Craig Erlam, giá dầu đang giao dịch cao hơn trong ngày hôm nay do các cuộc biểu tình tại mỏ dầu lớn nhất Libya và tình hình bất ổn ở Biển Đỏ.
Trong khi đó, tại Libya, thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), các cuộc biểu tình đã khiến mỏ dầu Sharara có công suất 300.000 thùng/ngày phải ngừng hoạt động sản xuất.
Ở một diễn biến khác, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, hợp tác và đối thoại trong liên minh sản xuất dầu OPEC+ sẽ tiếp tục sau tuyên bố rời nhóm hồi tháng trước của Angola. OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 1/2 để xem xét việc thực hiện cắt giảm sản lượng dầu mới nhất.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, kỳ vọng của nhà đầu tư về các biện pháp kích thích kinh tế mới tăng lên sau dữ liệu của Chính phủ cho thấy trong tháng 12, hoạt động sản xuất giảm tháng thứ 3 liên tiếp.
Chuyên gia kinh tế tại Hwabao Trust, ông Nie Wen nhận định, cần phải tăng cường hỗ trợ chính sách nếu không xu hướng tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc sẽ tiếp tục. Ông Wen kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong những tuần tới.
Theo Oilprice, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho năm 2024, cùng với trợ cấp xuất khẩu sản phẩm. Điều này sẽ tiếp thêm động lực cho hoạt động mua hàng của Trung Quốc trên thị trường.
Theo giới chuyên gia, tại Biển Đỏ, phiến quân Houthi tiếp tục tấn công các tàu thuyền, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột mở rộng hơn ở Trung Đông và buộc phải đóng cửa các tuyến đường thủy vận chuyển dầu quan trọng như Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư.
Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách khu vực Trung Đông Khaled Khiari cho rằng, leo thang căng thẳng và các mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải có thể gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến “hàng triệu người ở Yemen, khu vực và trên toàn cầu”.
Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế Arsenio Dominguez cho hay, các thông tin gần đây cho thấy lực lượng Houthi không chỉ giới hạn mục tiêu tấn công là các tàu có liên quan tới Israel.
Ông Dominguez kêu gọi các bên kiềm chế và giảm xung đột “để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền trong khu vực, bảo đảm tự do hàng hải và ổn định chuỗi cung ứng”.