Áp lực của OPEC về kiềm chế giá dầu giảm
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tìm cách cắt giảm sản lượng khai thác nhằm kiềm chế đà giảm của giá dầu mỏ trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc Angola tuyên bố sẽ rời khỏi tổ chức này cho thấy bất đồng nội bộ và cản trở các nỗ lực chung nhằm dẫn dắt thị trường và ổn định giá “vàng đen”.
Cuối tháng 11 vừa qua, OPEC và các đối tác (OPEC+) đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý I/2024 để hỗ trợ giá dầu.
Cụ thể, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7 năm nay đến cuối quý I/2024. Nga sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày đến tháng 3/2024, tăng so với mức 300.000 thùng/ngày hiện nay.
Cuối tháng 11 vừa qua, OPEC và các đối tác (OPEC+) đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý I/2024 để hỗ trợ giá dầu.
Trong khi đó, các quốc gia OPEC+ khác cam kết cắt giảm sản lượng ở mức ít hơn trong quý I/2024, trong đó Iraq cắt giảm 211.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (163.000 thùng/ngày), Kuwait (135.000 thùng/ngày), Oman (42.000 thùng/ngày). Algeria cũng cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 51.000 thùng/ngày trong quý I/2024, theo đó sản lượng sản xuất dầu của Algeria sẽ giảm xuống còn 908.000 thùng/ngày trong ba tháng đầu năm tới.
Lời kêu gọi cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu đã vấp phải sự phản đối của Angola. Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo tuyên bố, nước này sẽ rời OPEC bởi không còn lợi ích cho đất nước nữa.
Hồi tháng 11, đại diện của Angola tại OPEC, ông Estevao Pedro đã nói rằng, Angola không hài lòng đối với mục tiêu khai thác mà OPEC đề ra cho năm 2024, và Angola không có kế hoạch tuân theo một kế hoạch như vậy.
Cuộc họp cấp bộ trưởng hồi tháng 11 vừa qua của OPEC+ đã bị đình trệ do những bất đồng liên quan hạn ngạch sản lượng khai thác mà OPEC+ phân bổ đối với Angola. Cuộc họp bị trì hoãn trong vài ngày do bất đồng của các nước về các mức cắt giảm sản lượng hiện nay và các mức cắt giảm bổ sung có thể.
Bên cạnh đó, OPEC+ đã không thể nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác đối với toàn bộ 23 thành viên của nhóm. Gia nhập OPEC năm 2007, sản lượng khai thác dầu của Angola đạt khoảng 1,1 triệu thùng mỗi ngày, so sản lượng khai thác 28 triệu thùng dầu mỗi ngày của OPEC. Không chỉ Angola, cả Nigeria cũng không đồng tình với hạn ngạch khai thác mà OPEC+ đưa ra.
Sau thông báo sẽ rời OPEC của Angola, giá dầu đã sụt giảm mặc dù tăng lên trong thời gian ngắn do quan ngại về nguy cơ gián đoạn hoạt động thương mại và vận tải biển sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ.
Theo đánh giá của nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya của Swissquote - tập đoàn ngân hàng của Thụy Sĩ chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính và giao dịch trực tuyến, những cuộc thảo luận gần đây nhất cho thấy sự rạn nứt nội bộ OPEC+.
Trong một báo cáo mới công bố, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định, đà tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể thúc đẩy OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng nếu thị trường dầu mỏ chuyển sang trạng thái dư cung. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2024, chủ yếu nhờ đà tăng trưởng khởi sắc của các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ.
Theo Fitch Ratings, các quốc gia tại MENA sẽ ổn định sản lượng dầu mỏ của mình trong năm 2024, sau các quyết định cắt giảm sản lượng vào năm 2023 của OPEC+. Trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia đầu tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận với Thái tử nước chủ nhà Mohammed bin Salman Al Saud, trong đó nhất trí tiếp tục hợp tác trong OPEC+ nhằm góp phần ổn định thị trường năng lượng thế giới.
Giá dầu thế giới đã giảm từ tháng 10 năm nay trong bối cảnh nhiều quan ngại về tình trạng dư cung giữa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Các nhà phân tích đã kỳ vọng các nước sản xuất dầu sẽ cắt giảm sản lượng lớn hơn vào năm tới để đẩy giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu không thể lên, thậm chí còn lao dốc. Bất đồng nội bộ cùng những kêu gọi về chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch đang đặt ra nhiều thách thức và sức ép đối với ban lãnh đạo OPEC về nỗ lực ổn định thị trường “vàng đen”.