Vì sao không bỏ trần hạn mức tín dụng?
Gần đây, nhiều chuyên gia đề xuất nên bỏ trần hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu và định hướng là cần thiết, nên sẽ không bỏ trần hạn mức tín dụng.
Hiện nay, NHNN đang xem xét phân tích, đánh giá dựa trên quy mô, chất lượng tài sản và khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế để nới “room” tín dụng cho hơn 10 tổ chức tín dụng.
“Sức khỏe” tốt sẽ được cấp thêm room
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhấn mạnh, việc điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu và định hướng là cần thiết, NHNN đã triển khai trong suốt 10 năm qua đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc quản lý chất lượng tín dụng. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chỉ tiêu tín dụng định hướng và phù hợp với diễn biến nền kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Theo đó, NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng.
"Năm nay, NHNN giao chỉ tiêu định hướng là 12%. Thực tế tăng trưởng 5 tháng đầu năm là 5%, chúng tôi đánh giá là cũng khá phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Tất nhiên, trong quá trình triển khai các chỉ tiêu đầu năm sẽ có điều chỉnh trong năm với các tổ chức tín dụng có yêu cầu", ông Hà thông tin. Đồng thời cho biết, NHNN đã nhận được yêu cầu của hơn 10 tổ chức tín dụng và đang xem xét, phân tích, đánh giá để có hướng xử lý trong thời gian tới.
Trước đó, vào đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống. Chẳng hạn, Techcombank là ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao nhất, ở mức 12%; TPBank: 11,5%; Vietcombank, MB, MSB được cấp hạn mức tín dụng là 10,5%. Ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng cổ phần khác chỉ được cấp hạn mức tín dụng từ 6,5% - 7,5%.
Trong khi đó, tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20 - 30% trong năm nay. Quý II/2021, hàng loạt ngân hàng cũng rầm rộ tăng mạnh vốn điều lệ (đã được đại hội đồng cổ đông thông qua), tạo cơ sở để NHNN xem xét nới room.
Theo thông tin từ các công ty chứng khoán, chỉ trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tư nhân đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do NHNN giao đầu năm 2021. Dấu hiệu cạn room đã được thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng cho vay trong quý I đã gần bằng hạn mức cho cả năm.
Trước đó, một số ngân hàng cho biết, dù mới 5 tháng đầu năm, song các ngân hàng này đã sử dụng gần hết 2/3 room tín dụng của cả năm và đã gửi kiến nghị nới room tới NHNN.
Bỏ hạn mức có thể thực hiện trong tương lai
Việc các ngân hàng được cho là cạn room và phải "chờ đèn xanh" từ phía NHNN, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên bỏ chính sách áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng, cho các ngân hàng được tự quyết định cho vay theo cung - cầu thị trường.
Giải đáp khúc mắc về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, đây là giải pháp điều hành của NHNN sử dụng trong thời gian qua. Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là có những giải pháp phù hợp ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức là nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.
"Tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu, trong khi thị trường cung ứng vốn ở các nước khác từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Nếu như không quản lý tốt, hài hoà, sẽ khiến các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu nguy cơ tăng lên", ông Tú nói.
Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng, trước mắt là công cụ hiệu quả hữu hiệu. “Nếu như không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hoà, hợp lý cũng tạo ra sự bất ổn ngay tại các ngân hàng thương mại. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng ở một ngân hàng trong năm tăng lên đến vài chục phần trăm, việc ồ ạt đưa tín dụng ra thị trường thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Như vậy 1-2 năm, nợ xấu của nền kinh tế sẽ dâng lên. Tất cả bất ổn của nền kinh tế vĩ mô sẽ xuất hiện ngay”, ông Tú phân tích.
Phó Thống đốc cho biết, trong tương lai, khi thị trường cung ứng vốn không phụ thuộc nhiều vào tín dụng, NHNN có thể thay đổi phương thức này.
"Thời gian vừa qua, NHNN đã phân bổ tín dụng ban đầu cho các ngân hàng và cơ quan quản lý vẫn đang điều hành trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có chiều hướng tăng và tăng trưởng tín dụng được đảm bảo an toàn…, phương án nới room tăng trưởng tín dụng mục tiêu sẽ được đặt ra", ông Tú nói.