Vì sao nền kinh tế bứt tốc trong quý đầu năm?
Nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh trong nửa cuối năm 2017; cộng thêm chính sách tiền tệ hợp lý, lãi suất ổn định đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo đà cho GDP quý I/2018 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Mục tiêu GDP cả năm trong tầm tay
Trước khi số liệu tăng trưởng GDP quý I/2018 được công bố, đã có không ít câu hỏi được đưa ra là liệu nền kinh tế có duy trì được đà tăng trưởng nhanh của cuối năm 2017, hay sẽ lại rơi vào điệp khúc: Quý I tăng chậm và tăng nhanh dần về cuối năm. Thế nhưng những băn khoăn này đã có câu trả lời khi GDP quý I tăng tới 7,38% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong vòng 10 năm trở lại đây.
Câu hỏi đặt ra là tăng trưởng GDP quý I đạt mức cao như vậy dựa trên những trụ cột nào? Nhìn vào Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, dễ thấy hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng tốt, giúp cho nền kinh tế bứt tốc ngay trong quý đầu năm.
Theo đó, ngoại trừ khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm 2017 (6,70% so với 6,52%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực công nghiệp - xây dựng đều có mức tăng trưởng cao gấp đôi với cùng kỳ (4,05% so với 2,03% và 9,70% so với 4,17%).
Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm từ 2011 đến 2017.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng đang bật dậy khi tăng tới 10,08% so với cùng kỳ năm trước, cao gần gấp 3 lần so với mức tăng 3,85% của quý I/2017. Trong đó, điểm nhấn vẫn là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây).
Xét ở phía sử dụng, có thể thấy tiêu dùng nội địa tiếp tục là yếu tố trụ cột của tăng trưởng. Với mức tăng 7,13% (cùng kỳ tăng 6,73%), tiêu dùng cuối cùng đóng góp tới 5,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Điểm đáng lưu ý là nếu như quý I/2017, cán cân thương mại thâm hụt đã lấy đi 4,42 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung; thì năm nay việc cán cân thương mại thặng dư đã đóng góp thêm 1,19 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung.
Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; trong khi kim ngạch hàng hoá nhập khẩu chỉ ước đạt 53,01 tỷ USD. Nhờ đó cán cân thương mại hàng hóa ước thặng dư 1,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP quý I tăng cao là do nền kinh vẫn duy trì được tốc độ tăng từ quý III và quý IV năm 2017, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, quý II GDP sẽ lại tiếp tục tăng cao hơn quý I.
Đồng tình với ông Lâm, TS. Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích thêm rằng, tăng trưởng GDP tăng cao trong quý I là do các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua theo phương châm “Chính phủ kiến tạo, hành động, vì dân, vì doanh nghiệp” đã phát huy hiệu quả một cách rất tích cực.
TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, khi kinh tế tăng trưởng cao thì Chính phủ càng có điều kiện quan tâm và lưu ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Và không có nghĩa các quý tiếp theo của năm cao hơn so với quý I, mà ưu tiên chất lượng tăng trưởng. Nhưng mục tiêu GDP cả năm 2018 ở mức 6,7% là trong tầm tay.
Chính sách tiền tệ hợp lý hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế
Không ít chuyên gia đều có chung một nhận định, đó là đằng sau bức tranh kinh tế tươi sáng của quý đầu năm có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tiền tệ. Quả vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư, thì dòng vốn tín dụng ngân hàng luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng khi mà ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế.
Thế nhưng, những năm gần đây không phải cứ tăng trưởng kinh tế cao thì tín dụng cũng phải tăng mạnh, đã được chứng minh trong năm 2017 và duy trì ở quý I này. Cụ thể, mặc dù GDP quý I tăng tới 7,38% so với cùng kỳ, thế nhưng tính đến thời điểm 20/3/2018, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chỉ ở mức 2,23%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,81%).
Chia sẻ với thoibaonganhang.vn, TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý I năm nay thấp hơn so với cùng kỳ càng cho thấy tín dụng đi vào chất lượng, hiệu quả, dòng vốn đi vào các lĩnh vực ưu tiên nhiều hơn.
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cũng khẳng định, trong quý I năm nay tín dụng tập trung khá cao vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, trong khi cho vay lĩnh vực bất động sản giảm mạnh.
Phân tích của các chuyên gia cũng cho thấy, cùng với tín dụng đi vào sản xuất thì lãi suất duy trì ở mức phù hợp cũng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tích cực vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, giới chuyên gia ghi nhân, việc điều hành chính sách tiền tệ hết sức linh hoạt, chủ động của NHNN để điều tiết cung tiền hợp lý chẳng những đã giúp ổn định mặt bằng lãi suất mà còn kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong quý đầu năm.
TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, CPI thấp giúp Chính phủ hoàn toàn tự tin trong kiểm soát lạm phát. Đặc biệt là giúp NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
“Đặc biệt, tỷ giá ổn định giúp niềm tin vào hệ thống ngân hàng Việt Nam được gia tăng, qua đó tác động tốt hơn tới kinh tế vĩ mô, đến tăng trưởng kinh tế”, TS. Ngân nhấn mạnh.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.