Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trở lại

PV.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế hai tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến ngày 23/2/2018, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 3,3% (tăng 2% so với cuối tháng 1/2018 và tăng 2,1% so với cuối năm 2016), nguyên nhân là do yếu tố mùa vụ vào dịp Tết Nguyên đán.

Cung ứng ròng khoảng 70 nghìn tỷ đồng

Đánh về những chuyển động đáng chú ý của thị trường tài chính tiền tệ trong 2 tháng đầu năm 2018, Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ghi nhận, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng ngay từ tháng 1/2018. Cụ thể là tăng 0,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tháng 1/2016 và 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%), trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 0,6%, chiếm 90,3% tổng vốn huy động; vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3%, chiếm 9,7% tổng vốn huy động.

Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng cũng dồi dào hơn, do yếu tố mùa vụ vào dịp Tết Nguyên đán, khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 2, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 3,3% (tăng 2% so với cuối tháng 1/2018 và tăng 2,1% so với cuối năm 2016), chủ yếu do mùa vụ vào dịp Tết Nguyên đán.

Tỷ lệ tín dụng so với huy động vốn tăng từ 85,5% năm 2016 lên khoảng 88% vào cuối tháng 2/2017. Tuy nhiên, thanh khoản toàn hệ thống vẫn được hỗ trợ rất lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong hai tháng đầu năm nay.

Lãi suất huy động bình quân tương đối ổn định. Lãi suất huy động VND bình quân kỳ hạn trên 12 tháng ở mức khoảng 6,55% (tăng 0,03% so với cuối năm 2017) và phổ biến ở mức 6,5-7,3%. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm, ở mức 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ

Hai tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng ghi nhận thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với các năm từ 2016 trở về trước. Cụ thể, tháng 1/2018, tổng tín dụng (bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp) tăng khoảng 0,9% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 1,6%, năm 2016 tăng 0,8%). Tháng 2/2018, tín dụng ước tăng khoảng 1% với với cuối năm 2017.

Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục giảm. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 55,2%). Tín dụng ngắn hạn chiếm 47,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 44,9%).

Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ trọng tín dụng bằng ngoại tệ và cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế cũng có biến động nhẹ. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng bằng ngoại tệ giảm vào đầu năm nay. Tín dụng bằng VND chiếm 92,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 91,6%). Tín dụng ngoại tệ chiếm 8,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 8,4%).

Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế cập nhật đến tháng 1/2018 cũng có ít biến động so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 22,1%; cho vay đối với hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 16,5%; cho vay ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 8,0%; cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 16,1%; cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 18,3%.

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo vào khoảng 2,5%. Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định thì phần lớn nợ xấu vẫn tập trung cao ở các tổ chức tín dụng yếu kém, trong diện tái cơ cấu. Nợ xấu tiềm ẩn trong tất cả các khoản nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng đã mua lại nợ xấu bán cho VAMC để tự xử lý.