Vì sao ngành nghỉ dưỡng Việt Nam phục hồi chậm?
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Còn tại Việt Nam tốc độ phục hồi vẫn chậm khi chỉ số doanh thu/mỗi phòng sẵn có thấp hơn mức năm 2019 khoảng 20%, chủ yếu do công suất khai thác cho thuê phòng thấp.
Theo Savills Hotels, năm vừa qua, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới đã gần như khôi phục về mức trước đại dịch, với hơn 85% thị trường ghi nhận chỉ số RevPar (doanh thu/mỗi phòng sẵn có) cao hơn mức năm 2019.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Nhờ vào sự tăng trưởng mạnh các hoạt động du lịch quốc tế, quốc đảo này thậm chí ghi nhận mức giá phòng vượt mức trước đại dịch. Trong khi đó, tốc độ khôi phục của Việt Nam chậm hơn khi chỉ số RevPar vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 20%, chủ yếu do công suất khai thác cho thuê phòng còn thấp.
Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản và nghỉ dưỡng Meet The Expert 2024, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết, hoạt động kinh doanh tại các đô thị như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội khôi phục nhanh hơn các điểm đến ven biển. Trong đó giá bán phòng trung bình (ADR) đã gần đạt mức trước đại dịch. TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận là điểm đến có tốc độ khôi phục công suất phòng nhanh hơn các điểm đến khác.
Đối với thị trường nghỉ dưỡng ven biển, Đà Nẵng hiện đang dẫn đầu về tốc độ khôi phục nhờ vào sự hồi phục của thị trường khách Hàn Quốc cũng như việc cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Đà Nẵng đón nhận khoảng 25 chuyến bay từ các thành phố lớn của Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Chiều ngược lại, thị trường Nha Trang - Cam Ranh vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc trước dịch.
Ông Mauro cho rằng, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á khi đón tiếp khoảng 32 triệu lượt khách trong năm 2019. Mặc dù lượt khách Trung Quốc hiện chưa quay về mức trước dịch nhưng thị trường đang ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện tích cực từ nguồn khách này.
Trong khu vực, Singapore và Thái Lan cho thấy những nỗ lực thúc đẩy các hoạt động du lịch quốc tế mạnh mẽ. Cả 2 quốc gia này đều đang chú trọng đầu tư hạ tầng, cải thiện quy trình thủ tục xuất nhập cảnh, nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách trong chuyến đi.
"2 quốc gia này có các chiến lược quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến hiệu quả, thu hút thị trường khách quốc tế. Một trong số đó là chiến lược đồng hành cùng các nghệ sĩ quốc tế, ví dụ như chương trình biểu diễn nghệ thuật của Taylor Swift và Bruno Mars đã giúp thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, từ đó thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương", ông nói.
Ngày càng nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế hiện diện ở Việt Nam
Theo ông Mauro, dù Việt Nam có quá trình phát triển du lịch ấn tượng trước đại dịch, cũng như sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những kế hoạch hành động để gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Năm nay được kỳ vọng là năm bức tốc của khu vực Đông Nam Á với động lực tăng trưởng đến từ sự khôi phục của thi trường khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ cũng được đánh giá là một tệp khách nhiều tiềm năng cho khu vực trong thời gian tới và cũng là cơ hội cho Việt Nam.
Về tình hình thu hút du khách của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam, vị chuyên gia Savills Hotels đánh giá, giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nguồn khách nội địa là một trong những động lực chính, hỗ trợ quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Đây được xem là nguồn khách có khả năng khôi phục nhanh hơn, cũng như ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động trên thế giới.
Còn thị trường khách quốc tế với mức chi tiêu cao hơn, đem đến nguồn doanh thu tốt hơn cho hệ sinh thái du lịch trong nước, nhưng lại chịu nhiều biến động hơn do các yếu tố địa chính trị. Vì vậy, Việt Nam cần thiết đưa ra các chính sách linh hoạt, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của từng tệp khách, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch.
Đáng chú ý, những năm gần đây, các thương hiệu khách sạn quốc tế đang dần gia tăng độ hiện diện tại Việt Nam. Hiện nay, toàn thị trường có gần 200 khách sạn mang thương hiệu quốc tế, tăng mạnh so với khoảng 50 dự án vào năm 2013.
"Việc tự vận hành khách sạn giúp chủ đầu tư có thể độc lập trong quá trình phát triển, quản lý vận hành… Còn việc đồng hành cùng với các thương hiệu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn khắc khe, đem đến các sản phẩm chất lượng cho thị trường, từ đó giúp gia tăng tính cạnh tranh cho dự án, song sẽ mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư cao hơn", vị chuyên gia nhận định.