Vì sao “quả trứng vàng” Vân Đồn “ấp” lâu chưa “nở”

Theo Liên Liên/reatimes.vn

Tiềm năng lớn, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản nhưng phát triển du lịch cũng như bất động sản tại Vân Đồn vẫn bị "chậm pha" so với kỳ vọng. Một lần nữa câu chuyện cần phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch lại được đặt ra.

Tiềm năng lớn, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản nhưng phát triển du lịch cũng như bất động sản tại Vân Đồn vẫn bị "chậm pha" so với kỳ vọng. Nguồn: internet
Tiềm năng lớn, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản nhưng phát triển du lịch cũng như bất động sản tại Vân Đồn vẫn bị "chậm pha" so với kỳ vọng. Nguồn: internet

Tỉnh Quảng Ninh tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hạ tầng giao thông ở khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 - 2030. Trước đó, giao thông kết nối liên vùng ở Vân Đồn đã được đầu tư tương đối bài bản. Cuối năm 2018, công trình giao thông trọng điểm, gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng đã chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội và các địa phương khác đến Vân Đồn. Đây là những dự án giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần “đại khai phá” một Vân Đồn đầy tiềm năng nhưng còn sơ khai.

Dẫu vậy, nhìn vào bức tranh phát triển chung của Vân Đồn hiện tại, có vẻ như hạ tầng giao thông đã đi quá xa so với tốc độ phát triển của hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, khiến cho mảnh đất vàng này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thậm chí còn bị chậm pha so với kỳ vọng.

Theo số liệu từ Ban Quản lý Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, sau gần 4 tháng kể từ khi đi vào khai thác đến ngày 18/4, đơn vị đã đón 434 chuyến bay, phục vụ trên 52.500 lượt hành khách.

Số liệu trên cho thấy, trung bình mỗi ngày sân bay chỉ có vỏn vẹn khoảng 4 chuyến bay, phục vụ khoảng 486 hành khách, tương đương 6,9% lượng khách so với quy mô công suất và kỳ vọng phục vụ là 7.000 khách mỗi ngày. Điều đó có nghĩa chi phí vận hành cho hàng trăm con người vẫn phải chi trả đảm bảo, dù công suất khai thác chưa đến 10%. Một sự lãng phí rất lớn đang diễn ra khi vốn đầu tư cho dự án này lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

“Câu chuyện Vân Đồn là câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm. Từ Vân Đồn đến là một dải biển rất đẹp, là cả một vùng biển có tiềm năng du lịch cực kì lớn dựa vào 2 vịnh là Hạ Long và Bái Tử Long. Với một khung cảnh núi và nước tuyệt vời, đây là nơi rất hấp dẫn khách du lịch. Bởi bản thân Vân Đồn cũng là một đảo được bắc cầu nối với đất liền. Bên ngoài Vân Đồn có nhiều đảo có tiềm năng du lịch cao hơn như Quan Lạn, Ngọc Vừng. Tất cả những điều này kết thành một địa điểm có sức hấp dẫn khách du lịch cực kỳ lớn. Nhưng hiện nay có thể thấy, sự phát triển của Vân Đồn vẫn rất dè dặt, ảm đạm”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Vì đâu nên nỗi?

Thực hiện mục tiêu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cho phát triển giao thông đường biển, cảng, sân bay một cách mạnh mẽ, tạo nên sự chuyển biến mang tính đột phá về hạ tầng giao thông tại Vân Đồn.

Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Vân Đồn, hiện trên địa bàn huyện có 168 cơ sở lưu trú, với 1.946 phòng (tăng 35 cơ sở, 138 phòng so với năm 2016). Trong đó, chỉ có 1 khách sạn đạt 3 sao (50 phòng); 7 khách sạn đạt 2 sao (150 phòng), còn lại là khách sạn 1 sao, nhà nghỉ, nhà ở cho thuê, hầu như không có một khách sạn 4 - 5 sao nào.

Thống kê cũng cho thấy, lượng khách du lịch ra các tuyến đảo Vân Đồn thường đi về trong ngày, không lưu trú lâu tại đảo.

Các chuyên gia nhìn nhận, sự phát triển du lịch ở đây đang thiếu sự bền vững. Du lịch chủ yếu vẫn phụ thuộc vào mùa vụ, khai thác dựa vào tài nguyên sẵn có, sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu. Cơ sở dịch vụ lưu trú trên đảo, mặc dù số lượng phòng tăng theo từng năm nhưng tập trung phần lớn là những nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, chưa thu hút được những dự án lớn đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Điều đáng nói, chất lượng nhân lực du lịch của các xã tuyến đảo là một rào cản rất lớn đối với sự phát triển cả trước mắt và lâu dài.

“Vừa qua, Sun Group có đảm nhận việc phát triển hạ tầng lớn của Vân Đồn; trong đó có sân bay, đường cao tốc nối từ Vân Đồn vào Hải Phòng…Tất cả dựa trên cơ chế BOT. Sun Group đã làm rất tốt, đúng thời hạn hoàn thành, rút ngắn thời gian di chuyển đến Vân Đồn, ví dụ như từ Hà Nội chỉ mất khoảng 2 giờ.

Có thể thấy hiện tại giao thông rất thuận lợi để đến Vân Đồn, nhưng đến Vân Đồn để làm gì hiện nay mới là vấn đề cần bàn? Nếu muốn ngủ lại Vân Đồn thì chắc chỉ có khách sạn 3 sao. Khách cao cấp nào chịu ở lại khách sạn 3 sao?”, GS. Đặng Hùng Võ nêu vấn đề.

Qua rà soát, hiện trên địa bàn huyện Vân Đồn có 131 dự án bất động sản. Trong đó có 22 dự án đã hoàn thành, 44 dự án đã giao đất, 65 dự án chưa giao đất. Đáng chú ý, có 23 dự án đã giao đất nhưng chậm tiến độ.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, một số dự án nghỉ dưỡng do rơi vào tay một số nhà đầu tư có tiềm lực chưa cao, dẫn đến việc phát triển các dự án bị chậm pha so với hạ tầng giao thông. Hệ quả là, sau khi các dự án giao thông chính đã đi vào hoạt động, hiện các dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí vẫn đang trong giai đoạn rục rịch triển khai. Với hiện trạng đó, có thể thấy hiện nay Vân Đồn đang bị chậm pha so với nguyện vọng.

“Vậy sự chậm pha ở Vân Đồn chứng tỏ chúng ta vẫn chưa biết cách làm kể cả từ việc khảo sát cho đến đầu tư. Đó là điều rất tai hại với tư duy của các nhà đầu tư. Có thể đầu tiên nhà đầu tư cũng rất hăm hở đầu tư vào Vân Đồn với các cơ sở lưu trú, các khách sạn 5 sao, 4 sao, nhưng sau khi thấy mọi việc cứ lưng chừng, sốt đất lên xuống, hình thành đặc khu hay không… đã gây ảnh hưởng đến tư duy của họ. Thôi chả dại mà mà bỏ hết vốn vào đây, kiếm nơi khác đổ vốn vào ăn ngay thì hơn. Tôi cho rằng có rất nhiều kinh nghiệm chúng ta rút ra được từ câu chuyện Vân Đồn, mà bên cạnh đó là cả Phú Quốc nữa”, GS. Đặng Hùng Võ cho hay.

Trong một lần tham gia khảo sát và toạ đàm kết nối các tuyến, điểm du lịch Vân Đồn, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bãi biển đẹp, nước trong, cát mịn, du lịch tắm biển, sinh thái nghỉ dưỡng là loại hình du lịch phát triển chính của tuyến đảo Vân Đồn, trong đó điểm đến, dịch vụ lưu trú được du khách đặc biệt quan tâm. Là một khu du lịch mới phát triển, các tuyến đảo Vân Đồn không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn, hiện nay người dân đang tự phát triển dịch vụ của mình. Thời gian tới, Vân Đồn cần có một quy chuẩn chung để phát triển dịch vụ lưu trú cũng như quản lý quy hoạch phát triển du lịch một cách bền vững.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, luồng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bao giờ cũng sẽ yêu cầu tiện nghi, tiện ích nhiều nhất cho mỗi chuyến du lịch. Để đáp ứng nhu cầu đó thì đương nhiên đòi hỏi các dự án phải mang tính tổ hợp.

Tương tự, dòng khách hạng sang trong nước đang tăng cao, nhu cầu của họ về chất lượng nơi cư trú, dịch vụ, du lịch cũng không thể thấp, nhu cầu được hưởng thụ ngày một cao hơn. Như vậy, điểm đến nào đáp ứng được các tiêu chí của khách du lịch thì họ sẽ lựa chọn nghỉ chân lâu dài và có thể quay lại trong lần tiếp theo.

Do đó, với Vân Đồn, cũng cần phải nhắc đến câu chuyện phải đầu tư hạ tầng du lịch, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng song song với việc đồng bộ hạ tầng giao thông thì mới mong kinh tế du lịch có sự khởi sắc tương xứng với những tiềm năng vốn có. 

Có thể thấy hiện tại giao thông rất thuận lợi để đến Vân Đồn, nhưng đến Vân Đồn để làm gì hiện nay mới là vấn đề cần bàn? Nếu muốn ngủ lại Vân Đồn thì chắc chỉ có khách sạn 3 sao. Khách cao cấp nào chịu ở lại khách sạn 3 sao?”,