Vì sao tái cơ cấu hệ thống ngân hàng “đi nhanh, về chậm”?
(Tài chính) Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả bước đầu nhưng đang gặp nhiều thách thức cần một sự quyết liệt thực hiện. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – TS. Nguyễn Đức Kiên đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn nhanh về những vấn đề này.
TS. Nguyễn Đức Kiên: Tái cơ cấu kinh tế được đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, và Nghị quyết số 11/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Quốc hội Khóa XIII. Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 02/2013. Đến nay, nói chung tiến độ tái cơ cấu mới chỉ là đạt được những kết quả bước đầu và khá chậm so với kế hoạch.
Tái cơ cấu đầu tư công đã được cơ cấu lại vốn đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, giãn hoãn các dự án chưa cần thiết… bởi suốt gần một năm thực hiện về mặt pháp lý cũng chỉ dựa vào Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến gần đây, Luật Đầu tư công mới được ban hành.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuy cũng có những chuyển biến, nhưng cũng chỉ là những kết quả ban đầu. Dự thảo Luật Quản quản lý và Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DNNN đến nay vẫn còn có những ý kiến đóng góp với nhiều những điều còn phải chỉnh sửa.
Tích cực nhất, triển khai sớm nhất là hệ thống ngân hàng đã khẩn trương xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và tháng 03/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Sau hơn 2 năm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu quan trọng tạo nền tảng cho việc đẩy nhanh, vững chắc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tiếp theo.
Song, so với tiến độ tái cơ cấu chung, thì tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn khá chậm so với mong muốn và so với cả những nước khác đã làm.
Như vậy có thể nói “tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn đi nhanh về chậm”, vì sao thưa ông?
Để tái cơ cấu, ngành ngân hàng đang phải thực hiện 3 nhiệm vụ thách thức, đó là giải quyết nợ xấu, sở hữu chéo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và quản trị ngân hàng.
Sở hữu chéo ở đâu cũng có, không phải chỉ có ở Việt Nam và trên thị trường không thể ngăn cản nhà đầu tư bỏ vốn vào đâu, mua cổ phần của ai. Thế nhưng chúng ta phải hạn chế và giải quyết vấn đề sở hữu chéo.
Về nợ xấu, Công ty VAMC đã được thành lập, nhưng nợ xấu mới bước đầu được kiềm chế và xử lý và vẫn rất khó khăn bởi, nợ xấu không phải khởi nguồn từ các tổ chức tín dụng và nợ xấu sinh ra từ doanh nghiệp, từ đầu tư công, trong khi 2 trụ cột DNNN và đầu tư công tiến độ tái cơ cấu vẫn mờ nhạt.
Nhìn lại vòng nợ xấu, đầu tư công và nợ đọng xây dựng cơ bản đang gây khó cho doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta đã rốt ráo giải quyết nợ đọng cơ bản để cơ bản giải quyết xong năm 2006 trước khi vào WTO.
Nhưng, do phân cấp phân quyền mạnh trong đầu tư công nên nợ xây dựng cơ bản lại trở lại và trở thành bệnh trầm kha. Ở giai đoạn vừa qua nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến các dự án bất động sản, mà người đầu tư bất động sản lại vay vốn ngân hàng.
Nhìn lại vòng nợ này thì thấy chủ thể gây ra nợ xấu ở các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp là đầu tư công. Bên cạnh đó, là trình độ quản trị yếu kém ở một số tổ chức tín dụng. Trước đây, với hy vọng sẽ tăng sự cạnh tranh và hạn chế phát sinh nợ xấu, nên mới cho thành lập nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Đó là mặt trái của kinh tế thị trường mà chúng ta không lường trước được.
Vậy, thưa ông, cần làm gì để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng?
Và nợ xấu không phải nguyên nhân sinh ra từ các tổ chức tín dụng mà nguyên nhân là từ đầu tư và từ doanh nghiệp. Và, chúng ta phải nói rằng, Nhà nước với tư cách là một chủ sở hữu, một thành phần của nền kinh tế, thì phải là những việc mà với tư cách ông chủ phải làm là tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN.
Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, vì vậy nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được giảm bớt.
Cho đến nay, tất cả các phương án cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cần phải thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu của cả 3 trụ cột: Đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng. Có thể nói, tái cơ cấu các ngân hàng không thể thực hiện được khi tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN chưa mạnh mẽ.
3 trụ cột tái cơ cấu phải chuyển biến mạnh mới tạo ra dòng chảy liên thông liên tục của tiền tệ như vậy tạo điều kiện cho nền kinh tế có tốc độ phát triển cao hiện nay.
Vì cả 3 tái cơ cấu đều cùng mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế hình thành mô hình tăng trưởng mới. Nằm trong tổng thể, tái cơ cấu DNNN và đầu tư công là 2 cánh cùng bay với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến sở hữu chéo, đầu tư chéo, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận phần vốn thoái của DNNN tại tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức này, đồng thời, góp phần xử lý vấn đề sở hữu chéo của tổ chức tín dụng.
Thứ ba, phải làm theo tinh thần của Lênin là “thà ít mà tốt”, phải chấp nhận cho phá sản những ngân hàng yếu kém và các ông chủ của các ngân hàng này phải gánh trách nhiệm thì mới đủ sức răn đe. Và quan trọng là chúng ta có thực sự làm hay không có thực sự chấp nhận mất mát và trả giá hay không?