Vì sao thái độ quan trọng hơn trình độ?
Không phải là phủ nhận trình độ, bằng cấp chứng tỏ kiến thức của bạn, nhưng nếu không có thái độ đúng, liệu bạn có sử dụng được những gì đã học?
Tây học ta học đều phải học lại
Bi kịch thường thấy nơi công sở Việt thời nay là hầu như tất cả nhân sự tuyển về đều phải đào tạo lại. Tất cả các lãnh đạo bộ phận đều than trời vì: "Không hiểu nổi các em ấy được học những gì ở trường? Tất cả đều không thể đem ra ứng dụng".
Đừng tưởng viễn cảnh tươi sáng hơn nếu bạn là dân "Tây học" trở về, vì môi trường đào tạo ở nước ngoài khác xa với thực tế công việc tại Việt Nam. Thế mới nói, nhiều lãnh đạo bộ phận buộc phải lựa chọn thái độ quan trọng hơn trình độ.
Và, cứ giả sử như kiến thức đã học được ở trường của bạn là rất nhiều, và bạn không hề muốn bỏ phí bao nhiêu năm ba mẹ nuôi nấng chu cấp, thì bạn có muốn để ý thái độ của mình khi bước vào môi trường công việc, để học lấy những kỹ năng cần thiết và có thể thực sự ứng dụng được kiến thức nhà trường.
Là người, nếu không tranh thủ cố gắng khi còn trẻ, thế thì bạn có tuổi thanh xuân để làm gì? Hãy vui vẻ nhập cuộc, đừng đòi hỏi được trả công, thì sự tri ân sẽ tới. Nếu làm việc vì tiền thì bạn cùng lắm chỉ có tiền; nếu đừng chỉ nhắm tiền bạc hay thành công mà hãy coi mọi thứ là bài học, bạn học tốt thì cuối cùng thành công đi liền với tài chính bền vững sẽ là "điểm 10 cho chất lượng", tương xứng với giá trị của bạn.
Món đầu tư hiệu quả
Tốt nghiệp đại học, thậm chí cao học như nhau, rất nhiều bạn trẻ ngơ ngác không hiểu nổi tại sao cùng được tuyển dụng một kỳ, nhưng lương mỗi người tăng theo một cách; cùng xuất phát từ một vị trí nhưng sau hai – ba năm, đồng nghiệp có thể bỏ xa mình cả một quãng dài, ngồi vào những vị trí chủ chốt trong đội, nhóm, công ty, thậm chí tập đoàn. Ngoảnh lại sau lưng thấy tuổi trẻ của mình trôi qua trong bất lực và mờ mịt, chẳng có bất cứ đường hướng nào rõ nét. Tiền không đủ, vị trí không có, chưa dám kết hôn vì chẳng biết trông cậy vào đâu, nếu có vợ thì nuôi vợ con cách gì?
Liệu có phải tất cả các đồng nghiệp khác đều đi lên bằng con đường xu nịnh hay luồn lót "cửa sau" nhà các sếp? Nhiều chuyên gia khẳng định rằng kiến thức chỉ chiếm 4%, kỹ năng 26% còn thái độ chiếm tới 70% trong biểu đồ nhân sự. Cho nên hầu như bất cứ công sở nào cũng chỉ sử dụng lao động có kiến thức chuyên ngành tốt ở những vị trí thấp – lao động phổ thông, càng tiến lên vị trí cao hơn thì các yếu tố kỹ năng, thái độ lại càng trở nên quan trọng hơn.
Người ta nói tuổi trẻ chính là vốn liếng giàu có, nên bạn đừng để cảm giác bất mãn chi phối ngay từ khi còn trẻ nhé. Nếu nhận ra mình đang ở trong bi kịch của sự chán bản thân, chán công việc, chán luôn cả yêu đương, hẹn hò, hãy dừng lại, suy nghĩ thật kỹ về "món đầu tư" trí tuệ kém hiệu quả; tìm cách "cắt lỗ". Giải pháp là vô cùng bởi còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh riêng của từng người, nhưng đôi khi chỉ cần những động thái đơn giản nhất – thay thái độ, bạn sẽ đổi cuộc đời.
Hãy nhớ rằng chỉ khi phấn đấu, vốn liếng của bạn mới thực sự phát huy giá trị, chỉ khi bơi được trong biển kiến thức mênh mông mà hiểu biết của mỗi người luôn chỉ như vài hạt muối, tuổi trẻ của bạn mới đáng để tự hào.
Sơ đồ hình tháp: càng lên vị trí cấp cao thì yêu cầu về kỹ năng và sáng tạo càng nhiều hơn, thay vì chỉ sử dụng kiến thức chuyên ngành.
Hãy ghi nhớ những điều này: Nếu hễ cứ mở miệng ra đã nhắc đến khó khăn, sự trưởng thành đã cách bạn quá xa rồi. Mới bỏ ra chút công sức đã nghĩ đến việc báo đáp, cơ hội đã cách bạn quá xa rồi. Vừa bắt tay vào làm đã nghĩ đến lợi ích cá nhân, trái ngọt đã cách bạn quá xa rồi. Mới có chút khởi sắc đã đòi hỏi điều kiện, tương lai đã cách bạn quá xa rồi. Vừa mới hợp tác đã nghĩ cách sao cho mình không chịu thiệt, sự nghiệp đã cách bạn quá xa rồi.