Vì sao tiền VND bị định giá cao?
(Tài chính) Vài năm gần đây, chủ đề phá giá tiền đồng luôn được các nhà kinh tế và hoạch định chính sách bàn thảo nhiều trên các phương tiện truyền thông. Để có thêm góc nhìn, xin giới thiệu bài nghiên cứu dưới đây với chủ đề “Những yếu tố khiến VND bị định giá cao một cách méo mó”.
Dựa trên một số các nghiên cứu công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, chúng tôi nhận thấy hầu hết các tác giả đều lựa chọn năm biến số kinh tế vĩ mô khi nghiên cứu về tỷ giá thực:(1) năng suất của nền kinh tế (thu nhập bình quân đầu người); (2) tỷ lệ mậu dịch (giá tương đối của xuất khẩu so với nhập khẩu) (3) độ mở cửa kinh tế (4) nợ nước ngoài ròng và (5) chi tiêu chính phủ. Ngoài các nhân tố trên, khi nghiên cứu đặc thù kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chúng tôi đưa thêm ba biến số có tác động đến tỷ giá thực là: (1) đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước (2) chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (3) kiều hối.
Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu chính (do sự hạn chế về khuôn khổ của bài báo nên chúng tôi không trích số liệu minh họa trong các phần nhận định bên dưới).
Theo tính toán của người viết (xem thêm báo cáo của tác giả trong ấn phẩm Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 của trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), với kỳ gốc tính từ năm 2000, VND Việt Nam hiện bị định giá thực cao khoảng 20% và có mối quan hệ phi tuyến tính với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế thay vì tuyến tính như phần lớn các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam.
Vì sao VND bị định giá thực cao?
Bất hợp lý trong phân bổ thu nhập giữa các giai tầng và giá cả độc quyền
Trong khi thu nhập đầu người của người dân bắt đầu tăng nhẹ trong thời gian qua thì thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với nhóm 20% người nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8,5 lần. Dễ thấy rằng thu nhập của nhóm 20% người giàu nhất Việt Nam phần lớn chuyển sang đầu tư và chi tiêu trong lĩnh vực tài chính và bất động sản là nguyên nhân làm cho VND bị định giá thực cao. Hầu như toàn bộ nguồn lực của nền kinh tế tập trung phần lớn vào khu vực bất động sản và chứng khoán chẳng những dẫn đến bong bóng tài sản mà còn kéo theo giá cả hàng hóa của các lĩnh vực khác tăng lên đáng kể.
Lý thuyết kinh tế chỉ có khái niệm hàng hóa phi mậu dịch với ý nghĩa chúng không thể trao đổi xuyên biên giới như bất động sản chẳng hạn. Ví dụ do tình trạng bong bóng bất động sản nên người Việt buộc phải mua nhà với giá thuộc loại đắt nhất thế giới mà không thể sang Thái Lan “nhập khẩu” nhà để tạo sức ép giảm giá nhà trong nước. Trong trường hợp này nếu có phá giá sẽ không giải quyết được vấn đề VND bị định giá cao do chênh lệch giá trong nước luôn cao hơn nước ngoài.
Lý thuyết kinh tế không có khái niệm hàng hóa gần như phi mậu dịch. Đây là thuật ngữ được chúng tôi sử dụng để ám chỉ tình trạng không giống ai của Việt Nam và hàm ý đến hiện tượng VND bị định giá cao một cách méo mó. Chúng tôi xếp nhóm hàng hóa độc quyền của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như điện, nước, xăng dầu… thuộc vào loại hàng hóa gần như phi mậu dịch. Lý do là người dân Việt Nam bắt buộc phải tiêu thụ nhóm hàng hóa độc quyền này mà không còn lựa chọn nào khác. Nếu như giá cả nhóm hàng hóa này không bị lũng đoạn bởi các DNNN độc quyền thì các doanh nghiệp thuộc khu vực tư có thể nhập về với giá rẻ để làm giảm giá trong nước xuống.
Tóm lại do giá cả nhóm hàng hóa phi mậu dịch và gần như phi mậu dịch liên tục tăng lên đã làm cho VND bị định giá cao quá mức, vì vậy, giải pháp phá giá sẽ không thể cải thiện đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa nếu như giá cả nhóm hàng hóa phi mậu dịch và gần như phi mậu dịch tăng cùng chiều với thu nhập bình quân đầu người.
Chỉ số giá xuất khẩu so với nhập khẩu có xu hướng tăng
Giá tương đối của xuất khẩu so với nhập khẩu tăng lên có nghĩa thu nhập từ xuất khẩu ngày càng được cải thiện và trong một chừng mực nào đó làm cho mặt bằng giá cả hàng hóa của hai khu vực mậu dịch và phi mậu dịch tăng lên.Trong khi giá cả của hàng hóa mậu dịch như quần áo, hàng tiêu dùng và nông sản dễ dàng điều chỉnh giảm theo mặt bằng giá chung của thế giới thì giá cả hàng hóa phi mậu dịch như bất động sản và hàng hóa gần như phi mậu dịch hầu như không thể điều chỉnh. Kết quả này một lần nữa lại làm cho VND bị định giá cao.
Đầu tư khu vực kinh tế nhà nước và chi tiêu chính phủ cao nhưng không hiệu quả
Đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước và chi tiêu chính phủ thời gian qua tập trung vào các DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp này chủ yếu là đầu tư đa ngành, vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán làm cho mặt bằng giá chung của nền kinh tế tăng mạnh trong khi thời gian qua tỷ giá được neo giữ tương đối cứng so với đô la Mỹ khiến cho VND ngày càng bị định giá cao.
Kiều hối ngày càng nhiều
Nghiên cứu của chúng tôi khi đưa biến kiều hối vào mô hình nghiên cứu đã khẳng định thêm chứng cứ VND bị định giá cao là do lượng kiều hối chảy vào nền kinh tế ngày càng nhiều. Thực tế, kiều hối chuyển về nước tính theo số tuyệt đối có xu hướng tăng liên tục từ năm 2000 đến nay, đỉnh cao nhất là vào năm 2011. Mặc dù kỳ vọng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có tác động đến tỷ giá thực nhưng với dữ liệu hiện có chúng tôi vẫn chưa tìm thấy ảnh hưởng của chênh lệch giá vàng đối với tỷ giá thực.
Việc điều chỉnh tăng tỷ giá hay phá giá là giải pháp kinh điển mà bất kỳ ai cũng có thể nghĩ đến đầu tiên để gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả chung tăng cao trong khi tỷ giá chậm thay đổi làm hàng hóa nội địa mất sức cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài chỉ là triệu chứng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những yếu tố tác động đến tỷ giá không mang tính chất tuyến tính mà là phi tuyến tính nên tác động của các biện pháp phá giá tiền tệ có hậu quả phức tạp và khó lường.
Một số gợi ý chính sách
Thứ nhất, hạn chế đầu tư cho khu vực kinh tế nhà nước và cùng với đó là thực hiện hiệu quả quá trình tái cấu trúc DNNN để làm giảm sức ép lên mặt bằng giá chung của nền kinh tế, nhất là đối với các hàng hóa phi mậu dịch và do đó tự động điều chỉnh giảm tỷ giá thực. Cùng với quá trình tái cấu trúc DNNN là quá trình tái cấu trúc đầu tư công liên quan đến yếu tố chi tiêu chính phủ. Nếu các quá trình này phát huy hiệu quả sẽ tự động làm giảm tỷ giá thực trong dài hạn và do đó làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thứ hai, nếu lạm phát tăng cao có gốc rễ từ tình trạng bong bóng tài sản và việc tăng giá vô tội vạ của loại hàng hóa gần như phi mậu dịch như xăng, dầu, điện, nước thì giải pháp phá giá không khả thi. Đối với giá cả của hàng hóa phi mậu dịch như bất động sản thì Chính phủ không nên can thiệp mang tính ứng cứu mà hãy để cho giá cả các loại hàng hóa này giảm về đúng với giá trị thực của chúng. Một khi giá bất động sản giảm mạnh sẽ kéo theo mặt bằng giá chung của nền kinh tế giảm đi đáng kể và do đó làm giảm tỷ giá danh nghĩa cũng như tỷ giá thực.
Thứ ba, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng phá giá để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của họ thì Ngân hàng Nhà nước phải nghĩ đến việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn nữa. Vấn đề là phương thức điều hành tỷ giá như thế nào là thích hợp. Theo chúng tôi, có hai cách thức tiến hành điều chỉnh tăng tỷ giá.
Một là, điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu thị trường và quan hệ cung cầu. Nếu cán cân thanh toán thâm hụt, cung cầu ngoại tệ căng thẳng sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá. Tuy nhiên, liệu việc điều chỉnh tỷ giá có tương thích thật sự với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, điều chỉnh tỷ giá bao nhiêu, cầu ngoại tệ tăng thật hay tăng ảo không dễ trả lời. Có khả năng giữa việc phán đoán tăng tỷ giá và mức độ tăng tỷ giá sẽ không phản ảnh đúng thực tế diễn biến thị trường.
Ngoài ra điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường lại càng khó phù hợp trong bối cảnh phức tạp của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, nơi mà các nhóm lợi ích dễ dàng tạo ra cầu ảo với tỷ giá. Vì vậy, chúng tôi không ủng hộ phương thức điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, ít nhất trong thời gian vài năm tới.
Hai là, tạo ra một kỳ vọng thích nghi (adaptive expectation) đối với tỷ giá. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hàng năm sẽ tuyên bố mức độ mất giá của VND, chẳng hạn tuyên bố tỷ giá tăng không quá 2% mỗi năm, và bằng mọi cách can thiệp vào thị trường để giữ cam kết này liên tục trong nhiều năm. Theo thời gian, thị trường tự tạo ra một kỳ vọng thích nghi rằng các năm tới tỷ giá kỳ vọng cũng sẽ tăng không quá 2% nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng cam kết của mình.
Cách thức tạo ra kỳ vọng thích nghi tuy có nhược điểm không tính đến những thay đổi dự kiến trong tương lai khi các biến số vĩ mô thay đổi nhưng trong bối cảnh khó lường hiện nay của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, chúng tôi cho đây là phương thức tốt nhất có thể được để tạo ra sự ổn định và thiết lập niềm tin cho thị trường.
Chúng tôi cho rằng đây là năm thứ ba liên tục người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tỷ giá mỗi năm tăng không quá 2%, trong một chừng mực nào đó đây chính là đang tạo ra kỳ vọng thích nghi cho thị trường.