Vị trí của Việt Nam trong thuận lợi hóa thương mại khuôn khổ ASEAN

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Sau khi gia nhập khối ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới, thương mại Việt Nam đã có những bước tiến và thành tựu nổi bật. Khối lượng cũng như kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, do thuận lợi hóa thương mại đem lại. Hướng tới cộng đồng chung ASEAN, một loạt những sáng kiến, cũng như cam kết đã được đưa ra để thúc đẩy hơn nữa thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ ASEAN. Việc xác định vị trí của Việt Nam trong thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN là cần thiết, để có thể đưa ra những chính sách phù hợp, góp phần thúc đẩy hơn nữa thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam.

Sau khi gia nhập khối ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới, thương mại Việt Nam đã có những bước tiến và thành tựu nổi bật. Nguồn: internet
Sau khi gia nhập khối ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới, thương mại Việt Nam đã có những bước tiến và thành tựu nổi bật. Nguồn: internet

Định nghĩa thuận lợi hóa thương mại

Hiện nay, chưa có một định nghĩa chuẩn nào về thuận lợi hóa thương mại trong các văn bản chính sách công. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) định nghĩa, thuận lợi hóa thương mại là làm đơn giản hóa các thủ tục thương mại quốc tế bao gồm những hoạt động, thông lệ và các thủ tục liên quan đến việc thu thập, lưu chuyển và xử lý số liệu cũng như các thông tin khác liên quan đến lưu chuyển hàng hóa trong thương mại quốc tế.

Trong khi đó, Phòng Thương mại quốc tế định nghĩa, thuận lợi hóa thương mại là tăng sự hiệu quả trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Còn theo Tổ chức Hải quan Thế giới, thuận lợi hóa thương mại là việc dỡ bỏ những rào cản thương mại không cần thiết bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại, đồng thời cải thiện chất lượng quản lý theo hướng hài hòa với các chuẩn chung của quốc tế (ADB & ESCAP, 2013).

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sử dụng khái niệm thuận lợi hóa thương mại theo nghĩa rộng, tức là, thuận lợi hóa thương mại bao gồm môi trường, trong đó quá trình lưu thông hàng hóa xảy ra, tính minh bạch và chuyên nghiệp của thủ tục hải quan và quy định liên quan, cũng như sự hài hòa hóa các tiêu chuẩn và tuân thủ các quy định quốc tế hoặc quy định của vùng. Định nghĩa này có kết hợp các yếu tố “biên giới” (như hiệu quả cảng và quản trị hải quan) và các yếu tố bên trong “biên giới” (như môi trường quy định nội địa và cơ sở hạ tầng cho kinh doanh điện tử). Tuy nhiên, định nghĩa này không bao gồm các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, hạn ngạch hay các rào cản phi thương mại.

Thành tựu đạt được trong thuận lợi hóa thương mại của các quốc gia ASEAN

Việc thực hiện các sáng kiến và cam kết nhằm thực hiện thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN thời gian qua đã mang đến những thành tựu, giúp giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Thời gian và chi phí cần thiết cho nhập khẩu và xuất khẩu của các thành viên ASEAN rất khác nhau. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2018 về đơn giản hóa thương mại qua biên giới, Singapore đứng vị trí số 45, Việt Nam đứng vị trí 100 trong tổng số 189 quốc gia được khảo sát trên thế giới.

Vị trí của Việt Nam trong thuận lợi hóa thương mại khuôn khổ ASEAN - Ảnh 1

Chương trình đàm phán thuận lợi hóa thương mại tại ASEAN năm 2008 đã kêu gọi các quốc gia thành viên đơn giản hóa quy tắc xuất xứ, thống nhất những tiêu chuẩn về sản phẩm và kỹ thuật. Trong chương trình này, các quốc gia thành viên đã nỗ lực thực hiện đàm phán để hướng tới thành lập Cơ chế một cửa ASEAN với mục đích nhằm: (i) Thống nhất việc khai báo thông tin, dữ liệu; (ii) Đồng bộ quá trình xử lý thông tin và dữ liệu; (iii) Thống nhất các thủ tục xuất nhập khẩu.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các quốc gia ASEAN đã đạt được những thành tựu trong thực hiện thuận lợi hóa thương mại theo Kế hoạch hành động chiến lược thuận lợi hóa thương mại Cộng đồng chung ASEAN 2025 cùng với áp dụng những hỗ trợ kỹ thuật của khung thuận lợi hóa WTO. Điều này thể hiện rõ qua việc thời gian và chi phí làm thủ tục xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể ở hầu hết các quốc gia ASEAN (trừ Myanmar do không có số liệu đối chiếu) trong 2 năm 2009 (năm gia nhập ATIGA) và 2018. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn khá lo ngại đối với cách thức hoạt động của cơ chế một cửa ASEAN, bởi các nguyên do sau:

Thứ nhất, quá trình đàm phán để thực hiện cơ chế một của ASEAN diễn ra chậm, vì các quốc gia phát triển hơn trong khối ASEAN muốn sử dụng sức mạnh kinh tế của mình, để tạo lợi thế trong cuộc đàm phán, khiến các doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, các doanh nghiệp tư nhân không chắc chắn về hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa ASEAN.

Vị trí của Việt Nam trong thuận lợi hóa thương mại khuôn khổ ASEAN

Khảo sát cho thấy, nhiều bộ công cụ để đánh giá mức độ thực hiện thuận lợi hóa thương mại theo nghĩa rộng đã được xây dựng, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả sử dụng một số các chỉ số để đánh giá thuận lợi hóa thương mại của các quốc gia ASEAN như sau:

Thứ nhất, hiệu quả cảng quốc gia J là trung bình của 2 đầu vào từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCR): Cơ sở cảng và đường thủy nội địa (giá trị từ 1 (tệ nhất) đến 7 (tốt nhất)); Vận tải hàng không (giá trị từ 1 (tệ nhất) đến 7 (tốt nhất)).

Thứ hai, môi trường pháp lý cho mỗi quốc gia J được xây dựng như mức bình quân của các chỉ số đầu vào từ Niên giám Cạnh tranh Thế giới (WCY) và Chỉ số Quản trị World Bank (WBGI): Tính minh bạch của chính sách của Chính phủ là thỏa đáng; kiểm soát tham nhũng.

Thứ ba, môi trường hải quan cho quốc gia J được xây dựng từ 2 chỉ số đầu vào từ GCR: Rào cản nhập khẩu ẩn (giá trị từ 1 (tệ nhất) đến 7 (tốt nhất)); Hiệu quả thông quan (giá trị từ 1 (tệ nhất) đến 5 (tốt nhất).

Thứ tư, cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ cho quốc gia J được xây dựng từ mức bình quân của 2 đầu vào trong Báo cáo Công nghệ Thông tin Toàn cầu (GITR): Ứng dụng công nghệ thông tin cho giao dịch giữa các doanh nghiệp (giá trị từ 1 (tệ nhất) đến 7 (tốt nhất)); Ứng dụng công nghệ thông tin cho giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (giá trị từ 1 (tệ nhất) đến 7 (tốt nhất)).

Vị trí của Việt Nam trong thuận lợi hóa thương mại khuôn khổ ASEAN - Ảnh 2

Do các dữ liệu đầu vào được tính toán trên các thang đo khác nhau có giá trị từ 1-7 hoặc giá trị từ 1-5, chúng cần quy về một hệ tham chiếu để đánh giá các dữ liệu này. Nếu xét về thời gian và chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu thì Việt Nam xếp hạng thứ 5 trong khu vực và hạng 100 trên toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia xếp hạng trên Việt Nam như Singapore, Malaysia và Thái Lan đều được xếp hạng tương đối cao trên bảng xếp hạng toàn cầu, lần lượt là 45, 48 và 59 (World Bank, Doing Business Report 2019).

Xét trong nội khối ASEAN theo các chỉ số thuận lợi hóa thương mại về hiệu quả cảng, môi trường pháp lý, môi trường hải quan và cơ sở hạ tầng dịch vụ, Singapore là quốc gia có mức độ thuận lợi hóa thương mại tốt nhất trong toàn khối ASEAN. Trong khi đó, đa số chỉ số thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam đều nằm dưới mức trung bình của toàn khối ASEAN (Aggregate Index). Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn cơ hội cải thiện môi trường pháp lý, môi trường hải quan và hiệu quả cảng đạt mức cao trong khu vực. Việt Nam có chỉ số cơ sở hạ tầng dịch vụ ở mức trung bình khá trên toàn cầu và cao hơn so với mức trung bình của ASEAN (lần lượt là 0,829 và 0,817 điểm). Đây là thế mạnh cần khai thác để thúc đẩy hơn nữa thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam.

Kết luận và gợi ý chính sách

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp Việt Nam có những cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại. Tuy thời gian và chi phí thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể sau 10 năm tham gia ATIGA, nhưng trình độ thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam chưa cao. Hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều dưới mức trung bình của khu vực. Điều này gợi ý Việt Nam cần xây dựng chiến lược thuận lợi hóa thương mại gắn với thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường hải quan, nâng cao trình độ của các cán bộ hải quan và xây dựng hệ thống thông tin có quản trị rủi ro, để không bị tụt hậu so với trình độ phát triển của khu vực và thế giới. 

Tài liệu tham khảo:

1. World Bank, “Doing Business Report” (series 2010 – 2019);

2. ADB (Asia Development Bank) and UNESCAP, “Designing and Implementing Trade Facilitation in Asia and The Pacific”, http://aric.adb.org, truy cập ngày 12/6/2019;

3. Economic Commissions for Europe (2002), “Trade Facilitation: An Introduction to the Basic Concepts and Benefits (ECE/TRADE/289);

4. Global Competitiveness Report (2017), World Economic Forum,  https://www.weforum.org/reports, truy cập ngày 20/6/2019;

5. ITC by country Report, http://www.intracen.org, truy cập ngày 20/6/2019;

6. Layton, B. (2007), “Trade Facilitation: A Study in the Context of the ASEAN Economic Community Blueprint” in H. Soesastro (ed.) Deepening Economic Integration in East Asian —The ASEAN Economic Community and Beyond—Eria Research Project Report 2007 No. 1-2, ERIA, Jakarta;

7. Wilson, J. S., C. L. Mann and T. Otsuki (2003), “Trade Facilitation and Economic Development: A New Approach to Measuring the Impact’, World Bank Economic Review,Vol 17, No. 3, pp. 367–89;

8. Hollweg, C. and M. H. Wong (2009), “Measuring Regulatory Restrictions in Logistics Services”, ERIA Discussion Paper Series, No.2009-14, ERIA, Jakarta.