Viễn cảnh ảm đạm của thị trường dầu mỏ
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ ảm đạm trong thời gian còn lại của năm 2019, dù nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2019 và 2020 sẽ tăng thêm lần lượt ở mức 1,1 triệu thùng/ngày và 1,14 triệu thùng/ngày.
Rủi ro từ bất ổn
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều rủi ro xuất phát từ những bất ổn liên quan tới diễn biến kinh tế thế giới, trong đó có việc tăng trưởng chậm lại và các căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) cũng cho rằng, thị trường dầu mỏ thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng căn cứ vào những diễn biến gần đây như căng thẳng ở eo biển Hormuz, Mỹ tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Đầu tháng 7 vừa qua, OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến cuối tháng 3-2020, nhằm tránh tình trạng dư cung cũng như để đẩy giá dầu lên. Tuy nhiên, giá dầu vẫn chỉ dao động trong khoảng 57 - 65 USD/thùng. Gần đây nhất, trong phiên giao dịch cuối tuần qua tại thị trường London, giá dầu Brent được giao dịch trong khoảng 58 USD/thùng, mức thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, điển hình như Saudi Arabia.
Tuy nhiên, với các hãng khai thác và kinh doanh dầu, dù thị trường vàng đen có biến động, các công ty này vẫn ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý 2-2019: Tập đoàn ExxonMobil thông báo đạt lợi nhuận ròng 3,1 tỷ USD, Chevron đạt lợi nhuận 4,3 tỷ USD, Shell gần 3 tỷ USD, Total 2,8 tỷ USD và BP 1,8 tỷ USD…
Người tha, kẻ bắt
Liên quan đến tình hình căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 17-8 công bố lệnh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran với cáo buộc tàu Grace 1, vẫn đang thả neo tại vùng lãnh thổ Gibralta của Anh ở Địa Trung Hải, nằm trong “âm mưu tiếp cận một cách bất hợp pháp hệ thống tài chính của Mỹ để hỗ trợ việc vận chuyển trái phép tới Syria từ Iran do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thực hiện”. Mỹ vốn đã xếp IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài.
Theo lệnh bắt giữ trên, con tàu này cùng với toàn bộ dầu trên tàu sẽ bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), và dựa trên các quy chế tịch thu tài sản do gian lận ngân hàng, rửa tiền, khủng bố. Ngay sau đó, hãng vận tải Astralship, đơn vị vận hành tàu chở dầu Grace 1, cho biết, con tàu này sẵn sàng rời Gibraltar bất chấp nỗ lực vào phút chót của Mỹ nhằm bắt giữ lại con tàu này sau khi chính quyền Gibraltar quyết định thả tàu.
Ông Richard de la Rosa, Giám đốc điều hành Công ty Astralship, cho biết, công tác chuẩn bị hậu cần đang được tiến hành và tàu sẽ rời khỏi Gibraltar cùng 2,1 triệu tấn dầu của Iran ngay khi thủy thủ đoàn mới, gồm những người quốc tịch Ấn Độ và Ukraine, lên tàu điều khiển. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết về điểm đến tiếp theo của tàu này. Theo thông tin mới nhất, tàu Grace 1 đã được đổi tên thành Adrian Darya và chuẩn bị khởi hành.
Cùng ngày, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad đã bác bỏ các cáo buộc rằng Tehran đổi tên tàu nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Baeidinejad khẳng định, động thái này là để phù hợp với các quy định hàng hải quốc tế. Hiện không rõ liệu chính quyền Mỹ đã yêu cầu Gibraltar thực hiện lệnh bắt giữ này hay chưa. Theo thông lệ, lệnh bắt giữ phải được Tòa án tối cao Gibraltar ban hành, tuy nhiên trước đó, chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar đã quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu.
Việc Mỹ bất ngờ ra lệnh bắt giữ tàu Grace 1 cho thấy sự sốt ruột ngày càng tăng của nước này khi chiến thuật gây sức ép tối đa với Iran đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Ngày càng có nhiều đồng minh quay lưng lại với Mỹ, trong đó có cả những đồng minh được xem là thân cận nhất.