Việt Nam cần sớm nâng cao “bộ kỹ năng” mới cho lực lượng lao động
Đây là một trong những gợi mở khuyến nghị trọng tâm trong Báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính thức công bố tại buổi họp báo do Cơ quan này tổ chức ngày 9/4 tại Hà Nội.

Báo cáo của ADB nhận định, quá trình chuyển đổi số yêu cầu kỹ năng số mạnh mẽ và áp dụng công nghệ, bao gồm thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo và sản xuất thông minh. Do đó, việc thích ứng với các xu hướng này sẽ củng cố vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù vậy, những thế mạnh vốn có về nguồn lao động của Việt Nam như: Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có kỹ năng tay nghề cao… có thể giảm khi Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về năng suất lao động và thiếu hụt kỹ năng đáng kể, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số. Việc chuyển sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn đòi hỏi lực lượng lao động tay nghề cao và tinh nhạy hơn với các bộ kỹ năng phù hợp.
“Mặc dù có tiềm năng về lao động chất lượng cao, Việt Nam vẫn cần nâng cao kỹ năng trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động trong tương lai, nhất là cần có hành động ngay lập tức để thu hẹp khoảng cách kỹ năng và chuẩn bị cho lực lượng lao động để thành công trong nền kinh tế toàn cầu”, Báo cáo của ADB nêu khuyến nghị cụ thể.

Cũng theo ADB, về dài hạn, khi chi phí lao động tăng lên, Việt Nam phải chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, cũng như phải cải thiện hơn nữa khả năng hấp thụ công nghệ và tăng năng suất.
Để đáp ứng những thách thức này, bên cạnh việc nâng cao “bộ kỹ năng” mới cho lực lượng lao động, Việt Nam cũng cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất để phát triển bền vững.
Việc triển khai các công nghệ tiên tiến, như quản lý chuỗi cung ứng và các công cụ quản lý chất lượng, sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động và khả năng đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Những nhận định và khuyến nghị của ADB tại họp báo cũng tương đối trùng hợp với Báo cáo đánh giá về thị trường lao động trong quý I/2025 do Cục Thống kê vừa công bố mới đây.
"Thị trường lao động cả nước nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập khi mà cả nước mới chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao", Báo cáo nhận định.
Chưa kể, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ nên năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua mặc dù đã cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Đáng chú ý, việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất đối ứng 46% sẽ gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thị trường lao động liên quan. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu liên quan đến 6 nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như máy ví tính điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Do đó, để giảm thiểu tác động, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong việc chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới.