Việt Nam cần tập trung ưu tiên cải cách giảm chi phí thương mại

Theo Tiến Dũng/tapchithue.com.vn

Ngày 14/6, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam với nhiều khuyến nghị tập trung vào các ưu tiên cải cách, nhằm giảm chi phí thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Ảnh minh họa. Nguồn: tapchithue.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchithue.com.vn
WB nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện với dự báo GDP trong năm 2018 sẽ tăng 6,8%. Mức tăng trưởng gần đây đã cao hơn do điều kiện thuận lợi trong nước và quốc tế, nhưng cũng có thể tốc độ tăng sẽ giảm dần.
Ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, giai đoạn kinh tế hiện đang vận hành vững chắc sẽ là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, qua đó giúp giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn. 
Đưa ra những khuyến nghị trong trung hạn, WB nhấn mạnh, Việt Nam cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và cơ chế thực hiện để giảm chi phí thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên cải cách tạo thuận lợi thương mại phải dựa trên những trụ cột chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) – hiện vẫn chiếm 55% tổng thời gian nhập khẩu.
Cần phải áp dụng chuẩn quốc tế trong phân loại các biện pháp KTCN trên cơ sở thực hiện phân tích chi phí – lợi ích của từng biện pháp; tăng cường KTCN hiệu quả bằng cách áp dụng quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua cơ chế một cửa quốc gia và cho phép kiểm tra sau thông quan.
Cùng với đó, cần phải ưu tiên cải cách hạ tầng kết nối và cải thiện chất lượng dịch vụ logistics, bởi theo đánh giá của WB, hiện nay vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng đường bộ cao tốc chất lượng cao còn ít dẫn đến tốc độ và mức độ tin cậy về dịch vụ vận tải thấp và có sự chênh lệch lớn giữa cung – cầu về khả năng xếp dỡ hàng hóa do quy hoạch không hiệu quả và không dự báo được nhu cầu vận tải chuỗi giá trị hàng hóa. 
WB nhấn mạnh, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng và phát triển một hệ thống thống kê logistics đáng tin cậy để hỗ trợ các cơ quan chính phủ xây dựng chính sách, giám sát tiến độ cải cách logistics để tạo thuận lợi cho DN có điều kiện phát triển chiến lược kinh doanh hợp lý, giảm chi phí logictics một cách hiệu quả hơn.