CPTPP: Lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều nhất
CPTPP sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo và góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hỗ trợ việc hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam.
Báo cáo cho biết, so với kịch bản cơ sở và năm gốc (2011), tính đến năm 2030, theo các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng 1,1%, so với mức tăng 0,4% của RCEP và 3,6% của TPP-12. Nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5% so với 6,6% của TPP-12 và 1% của RCEP.
Có CPTPP, xuất khẩu dự báo sẽ tăng thêm 4,2%, nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng.
Đánh giá tác động theo ngành, theo tài liệu này, mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, hóa chất, sản phẩm da và nhựa, thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành.
Về tác động phân bổ thu nhập, theo Báo cáo này, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc top 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ lợi ích từ hiệp định.
Ngoài các vấn đề “thương mại” trong Hiệp định, CPTPP có thể khuyến khích và thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực như cạnh tranh và dịch vụ (bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông, gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hoá, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan (bao gồm các biện pháp SPS và TBT), các biện pháp khắc phục thương mại…
Trong dài hạn, lợi ích đạt được từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.
CPTPP có khả năng sẽ kéo theo tăng FDI và tiếp tục mở rộng các ngành dịch vụ. Dự kiến sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều như dệt, may mặc và da để tận dụng CPTPP.
Tuy nhiên, việc FDI tăng lên trong các ngành công nghiệp thượng nguồn không phải là không đi kèm chi phí, do vậy Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này.
Báo cáo này cũng cho thấy sự cần thiết phải cải thiện khả năng kết nối để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) và giữ chi phí thương mại ở mức thấp. Các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong nước tham gia vào GVCs cần phải có khả năng di chuyển hàng hoá qua biên giới một cách hiệu quả và đáng tin cậy. Điều này đòi hỏi cần có cả cơ sở vật chất và thể chế tốt.