Logistics sẽ đóng góp 10% vào GDP năm 2025
Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP sẽ đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%... - Đó là mục tiêu phát triển mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị về logistics sáng nay (16/4).
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho rằng, dịch vụ này không mới nhưng là vấn đề chuyên ngành, còn ít người hiểu và thực hiện đầy đủ. “Tổ chức giao thông vận tải (GTVT) hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45% xe quay về không chở hàng, làm sao chi phí không cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần khẳng định vao trò to lớn của logistic đối với nền kinh tế đất nước, lĩnh vực trị giá hàng tỷ USD, một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên phát triển, được doanh nghiệp tham gia. Nếu chúng ta không làm doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm trong khi nước ta chưa có doanh nghiệp mạnh về logistics.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistic, ảnh hưởng đến cạnh tranh của kinh tế đất nước. Cùng với nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistic phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể.
Về mục tiêu phát triển dịch vụ logistics, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này.
Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm, kiểm tra rủi ro chứ không phải kiểm tra đồng loạt.
Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu tại hội nghị để đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.