Việt Nam chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố
Ngày 30/4Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký các quyết định về việc Việt Nam chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký các quyết định về việc Việt Nam chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020.
Mục tiêu của kế hoạch là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam trong năm 2019.
Nội dung kế hoạch hành động gồm nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; Hợp tác trong nước; Các sản phẩm tài chính toàn diện; Hợp tác quốc tế.
Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 474/QĐ-TTg nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền về các hành động được giao tại Kế hoạch này...
Các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền về các hành động được giao tại Kế hoạch này; phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; định kỳ trước ngày 10 tháng 3, tháng 9 và tháng 11 hằng năm tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các hành động được giao tại Kế hoạch này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quyết định 475/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Kế hoạch đặt mục tiêu tổng quát là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); đồng thời bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn trong nước; đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; đáp ứng được các yêu cầu của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia, công nhận; chuẩn bị sẵn sàng cho vòng đánh giá đa phương về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố lần thứ 2 của APG đối với Việt Nam diễn ra vào quý 4 năm 2019.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền về các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tổng thể này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.