Quy định về thanh tra, giám sát đối với ngân hàng liên quan đến phòng, chống rửa tiền
Liên quan đến vấn đề phòng, chống rửa tiền, thời gian qua, Tạp chí Tài chính đã nhận được nhiều câu hỏi cụ thể của bạn đọc về thanh tra, giám sát đối với ngân hàng liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Với sự phối hợp, hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia pháp luật, Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời về vấn đề này.
* Bạn đọc hỏi: Cá nhân, tổ chức nào được pháp luật quy định là đối tượng thanh tra và đối tượng giám sát trong lĩnh vực ngân hàng?
Trả lời: Đối tượng thanh tra ngân hàng và đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Điều 2 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.
Theo đó, đối tượng thanh tra của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đối tượng thanh tra ngân hàng; Doanh nghiệp nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập; Đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nghĩa vụ chấp hành các quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, đối tượng thanh tra ngân hàng gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; Tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng,
Đối tượng giám sát của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng gồm: Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc giám sát ngân hàng đối với mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng; Đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
* Bạn đọc hỏi: Pháp luật quy định về nguyên tắc thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP, nguyên tắc thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng phải đảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương; Tuân theo pháp luật; Bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; Không trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; :hông làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng.
Thanh tra ngân hàng được tiến hành theo đoàn thanh tra hoặc do thanh tra viên ngân hàng thực hiện; Giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục; Kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng; Kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra ngân hàng và giám sát ngân hàng.
Nghị định số 26/2014/NĐ-CP nêu rõ, thực hiện thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng; Thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trình tự, thủ tục thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng.
* Bạn đọc hỏi: Do tính chất đặc biệt của Ngành ngân hàng, nên chỉ được phép thanh tra ngân hàng đột xuất khi ngân hàng đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì việc thanh tra ngân hàng đột xuất không chỉ được tiến hành khi phát hiện ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn được tiến hành khi phát hiện ngân hàng có dấu hiệu phát sinh rủi ro, nguy cơ đe dọa sự an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra ngân hàng, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP về nội dung và hình thức thanh tra ngân hàng thì nội dung thanh tra ngân hàng bao gồm:
Một là, thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, quy định khác của pháp luật có liên quan, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp;
Hai là, xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của đối tượng thanh tra ngân hàng; xem xét, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, chất lượng và hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả việc nhận dạng rủi ro, đo lường rủi ro, giám sát rủi ro, kiểm soát và giảm thiểu, xử lý rủi ro thông qua việc xem xét các yếu tố tác động đến an toàn hoạt động, chất lượng, hiệu quả quản trị rủi ro, khả năng chống đỡ rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Ba là, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng;
Bốn là, kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật;
Năm là, phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật.
Về hình thức thanh tra ngân hàng có 02 hình thức là: Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện đối tượng thanh tra ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phát sinh rủi ro, nguy cơ đe dọa sự an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra ngân hàng, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.