Ngăn chặn nguy cơ tội phạm rửa tiền “lũng đoạn” hệ thống ngân hàng
Hệ thống ngân hàng được coi là “mảnh đất màu mỡ” mà tội phạm rửa tiền hướng đến để thực hiện hành vi hợp thức hóa “tiền bẩn”. Bởi vậy, việc ngăn chặn nguy cơ tội phạm rửa tiền lợi dụng,“lũng đoạn” hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch quốc tế ngày càng đa dạng cùng với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ thông tin, tội phạm rửa tiền trở nên ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Điều này gây khó khăn rất lớn đối với nền kinh tế nói chung và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng nếu bị lợi dụng.
Theo đó, tội phạm rửa tiền sẽ gây bất ổn hệ thống ngân hàng, làm mất uy tín, giảm chất lượng đội ngũ nhân viên, gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống ngân hàng nói chung. Thêm vào đó, ngân hàng còn có nguy cơ gặp phải rủi ro pháp lý khi bị điều tra về các hành vi rửa tiền…
Ở Việt Nam, từ ngày 1/8/2014, Cơ quan Giám sát Ngân hàng (Banking Supervision Agency - BSA) đã được Ngân hàng Nhà nước phân công nhiệm vụ giám sát hệ thống ngân hàng cũng như giám sát tất cả các đơn vị kiểm toán được yêu cầu báo cáo về các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ phận này cũng sẽ chịu trách nhiệm đào tạo các ngân hàng về công tác phát hiện và báo cáo những vụ tham nhũng.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tội phạm rửa tiền đối với hệ thống ngân hàng, tại Điều 8 Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội ban hành ngày 18/6/2012 đã quy định cụ thể các dấu hiệu nhận biết khách hàng là đối tượng có nghi ngờ thực hiện hành vi rửa tiền. Theo đó, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp: Khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính; Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo; Có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; Có nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.
Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 đã quy định những giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng phải giám sát đặc biệt để phòng, chống rửa tiền, bao gồm: Giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo. Đối tượng báo cáo phải kiểm tra cơ sở pháp lý và mục đích của giao dịch; Trường hợp có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích của giao dịch, đối tượng báo cáo phải lập báo cáo về giao dịch đáng ngờ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có thể từ chối giao dịch đó.
Điều 19 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập thông tin, tài liệu, hồ sơ liên quan đến các giao dịch được báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan (đối tượng báo cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch và các bên liên quan đến giao dịch) cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ và các thông tin khác cần thiết cho việc phân tích, chuyển giao thông tin về rửa tiền.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, ông Richard J Major - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Tội phạm Tài chính khu vực Đông Nam Á của mạng lưới các công ty tư vấn kiểm toán PwC cho rằng, các ngân hàng Việt Nam cần chú trọng triển khai phương pháp tiếp nhận khách hàng như: Tăng cường kiểm soát để ngăn chặn và phát hiện việc sử dụng hồ sơ định danh giả mạo; Cải thiện xử lý xuyên suốt trong quy trình trong công tác tiếp nhận khách hàng; Giảm đáng kể yêu cầu nộp hồ sơ bằng cách thủ công…
Bàn về vấn đề này, ông Grant Dennis - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam khuyến cáo, các ngân hàng Việt Nam cần tăng cường các chương trình nhận thức về phòng, chống rửa tiền ở các cấp, các bộ phận chức năng trong ngân hàng, truyền thông về tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền trong tổ chức và cần có chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm về rửa tiền trong tổ chức.
Tuy nhiên, với mức độ tinh vi của tội phạm rửa tiền hiện nay, nếu chỉ riêng lẻ các ngân hàng thì rất khó để phòng, chống triệt để loại tội phạm mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng trong hệ thống. Khi đó, công tác phòng chống rửa tiền sẽ được bao quát và nâng cao hiệu quả…