Công tác đánh giá rủi ro về tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố còn hạn chế
Theo “Khảo sát về Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2018” vừa công bố của Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam, hoạt động rửa tiền là một trong những vấn đề nghiêm trọng xuyên biên giới, là vấn nạn mang tính toàn cầu. Nó đang gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia.
Khảo sát Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2018 của PwC đã chỉ ra rằng, môi trường pháp lý ngày càng chặt chẽ, áp dụng các công nghệ cao và mang tính đột phá là những xu hướng chính hỗ trợ công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT).
Tuy nhiên, khảo sát này cũng của PwC cũng ghi nhận: Còn có nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác PCRT tại các ngân hàng trong khu vực, trong đó phải kể đến tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PCRT vẫn còn hạn chế; thiếu sự chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề PCRT, phân loại rủi ro khách hàng không hiệu quả…
Theo ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn PwC, có khoảng 50% người trả lời khảo sát tại Đông Nam Á cho biết từng là nạn nhân của tội phạm kinh tế hoặc gian lận trong vòng 2 năm vừa qua.
“36% các tổ chức được khảo sát cũng cho biết, đã đối mặt với tội phạm kinh tế nói chung và 32% cho biết là nạn nhân của tội phạm mạng; 75% số tổ chức được khảo sát cho biết đã tiến hành đánh giá rủi ro về tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố trong 2 năm gần đây. Như vậy còn có 25% các đơn vị, tổ chức chưa làm việc này”, Khảo sát Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2018 của PwC ghi nhận.