Quy định về phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng của Hoa Kỳ

Hoài Lan

Phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng đã và đang được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Vì vậy, nghiên cứu về pháp luật phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng của Hoa Kỳ sẽ góp phần gợi mở cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.

Quy định về chống rửa tiền của Hoa Kỳ được hình thành kể những năm 1970 khi Đạo luật về Bí mật Ngân hàng (BSA) được ban hành, trong đó đã ấn định "nghĩa vụ lưu giữ các tài liệu và báo cáo" đối với các tổ chức tài chính nhằm cung cấp chứng cứ về các giao dịch tài chính cho cơ quan thi hành pháp luật. Mục đích của hệ thống báo cáo này là để tạo ra các chứng cứ nhằm truy tìm nguồn gốc của những khoản tiền do hành vi phạm tội mà có.

Theo quy định của BSA, các tổ chức tín dụng sẽ phải nộp 5 loại báo cáo khác nhau cho chính phủ, bao gồm: Báo cáo về giao dịch tiền tệ, Báo cáo về vận chuyển tiền hoặc các công cụ tiền tệ, báo cáo về tài khoản ngân hàng và tài chính nước ngoài, Báo cáo về hành vi nghi vấn, và Chỉ định cá nhân được miễn trừ khỏi báo cáo.

Ngân hàng và các tổ chức tài chính là những nơi mà các nguồn "tiền bẩn" cần phải đi qua trước khi hoà nhập vào nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống báo cáo giao dịch tài chính theo quy định của BSA không có nhiều giá trị trong việc chống lại các hoạt động rửa tiền, do đó, Luật về Kiểm soát rửa tiền (MLCA) đã được thông qua năm 1986, nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh loại tội phạm này. MLCA quy định hai nhóm tội rửa tiền chính: Giao dịch tài chính liên quan đến tài sản thu được từ "các hành vi phạm tội cụ thể" và giao dịch tài chính đối với tài sản mà người tham gia giao dịch biết được đó là tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội cụ thể.

Để phòng, chống rửa tiền thông qua các tổ chức tín dụng, pháp luật Hoa Kỳ cũng có những quy định rất chặt chẽ liên quan đến nghĩa vụ lưu trữ thông tin, phát hiện và báo cáo những giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Hoa Kỳ.

Theo quy định của BSA, các tổ chức tín dụng sẽ phải nộp 5 loại báo cáo khác nhau cho chính phủ, bao gồm: Báo cáo về giao dịch tiền tệ, Báo cáo về vận chuyển tiền hoặc các công cụ tiền tệ, báo cáo về tài khoản ngân hàng và tài chính nước ngoài, Báo cáo về hành vi nghi vấn, và Chỉ định cá nhân được miễn trừ khỏi báo cáo. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm duy trì các chứng từ, tài liệu liên quan đến các giao dịch được thực hiện như: chứng từ mua bán công cụ tiền tệ, chứng từ về chuyển tiền và các yêu cầu di chuyển. Đồng thời, BSA cũng yêu cầu các tổ chức tài chính phải tiến hành các biện pháp cần thiết để theo dõi và báo cáo về các giao dịch đáng ngờ.

Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, ngày 26/10/2006, Tổng thống Hoa. Kỳ Geroge W. Bush đã ký Đạo luật về "Đoàn kết và Tăng cường sức mạnh của nước Mỹ bằng cách cung cấp công cụ phù hợp cần thiết để ngăn chặn khủng bố". Đạo luật này tăng cường hiệu quả cho BSA và mở rộng phạm vi điều chỉnh tội rửa tiền. Mục tiêu của PATRIOT Act là "phát hiện và loại bỏ cơ sở tài chính để tài trợ khủng bố" và làm "cạn kiệt nguồn tài chính của những kẻ khủng bố".

Điều 326 PATRIOT Act cũng quy định, các tổ chức tài chính phải triển khai các hoạt động để phát hiện và xác định các dấu hiệu của hành vi rửa tiền bao gồm: xác định danh tính người mở tài khoản, lưu giữ các bản ghi về thông tin được sử dụng để xác minh chủ tài khoản, tham vấn cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp người mở tài khoản có nằm trong danh sách những kẻ khủng bố, kẻ tình nghi khủng bố hoặc các tổ chức khủng bố.

Theo đó, PATRIOT Act cho phép Bộ Tài chính Hoa Kỳ được quyền phong toả và áp đặt lệnh cấm đối với các tổ chức tài chính nếu không hợp tác với cơ quan này trong việc chống rửa tiền quốc tế. Ví dụ, các ngân hàng của Hoa Kỳ có thể bị cấm buôn bán với ngân hàng nước ngoài nếu ngân hàng đó từ chối trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan có thẩm quyền của Mỹ. Đây là một trong những biện pháp khiến cho PATRIOT Act có phạm vi vượt ra ngoài lãnh thổ của Mỹ. Điều này có thể lý giải bởi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ là một trong những hệ thống lớn mạnh hàng đầu thế giới và hầu hết các ngân hàng đều phải tham gia giao dịch với các ngân hàng của quốc gia này,

Ngoài các quy định trên, công tác phòng, chống rửa tiền của Hoa Kỳ còn dựa vào một số văn bản pháp lý quan trọng khác như: Luật Quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật Chống sử dụng ma tuý năm 1988, Luật Chống rửa tiền Annunzio - Wylie năm 1992, Luật về Trấn áp rửa tiền năm 1994, Luật về Rửa tiền và tội phạm tài chính năm 1998, Luật về Ngăn ngừa khủng bố và đổi mới hệ thống tình báo năm 2004. Những luật và quy định về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ luôn được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền…