Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam

T.H

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống rửa tiền (PCRT) được thành lập từ năm 2009 theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 13/4/2009. Trưởng Ban Chỉ đạo hiện nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo của 15 bộ, ngành có liên quan. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo về PCRT: Là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành trong công tác PCRT, PCTTKB trên lãnh thổ Việt Nam. Với vai trò điều phối quốc gia về phòng, chống rửa tiền, Ban chỉ đạo đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác PCRT và TTKB ở Việt Nam. Cụ thể, từ khi thành lập đến nay, Ban chỉ đạo Quốc gia về PCRT đã ban hành 5 Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm giải quyết, khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam theo các thời kỳ.

Bộ Tài chính có vai trò phối hợp với NHNN quản lý, giám sát việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo thực hiện một hoặc một số hoạt động sau: Tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán; quản lý danh mục vốn đầu tư; quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; cung ứng dịch vụ bảo hiểm, đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ; cung ứng dịch vụ kế toán; kinh doanh trò chơi có thưởng, casino. Chỉ đạo cơ quan hải quan cung cấp thông tin thu thập được về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới theo quy định của Luật PCRT.

Các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các hoạt động PCRT và TTKB, cụ thể như:

Cục Phòng, chống rửa tiền (AMLD): Là đơn vị trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN. AMLD có chức năng thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về hành vi rửa tiền và TTKB.

NHNN: Là cơ quan đầu mối xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCRT; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền tại Việt Nam; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch quốc gia về PCRT; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về PCRT. Về quản lý chuyên ngành, NHNN thực hiện trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động PCRT đối với đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

Bộ Công an: Là cơ quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm về rửq tiền/TTKB và các tội phạm có liên quan. Bộ Công an là cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về PCKB và PCTTKB. Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao về điều tra, truy tố và xét xử tội phạm có liên quan đến RT/TTKB.

Viện kiểm sát nhân dân: Là cơ quan nhà nước độc lập, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hiện tố tụng các vụ rửa tiền sau khi điều tra.

Tòa án nhân dân: Là cơ quan có trách nhiệm xét xử các vụ án rửa tiền, khủng bố và tài trợ khủng bố và các tội phạm khác theo quy định của Bộ luật hình sự.

Thanh tra Chính phủ: là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. 

Bộ Tư pháp: Là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Về quản lý chuyên ngành, Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý và giám sát, thanh tra việc triển khai các biện pháp PCRT áp dụng cho đối tượng báo cáo là luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; công chứng viên, tổ chức cung ứng dịch vụ công chứng.

Bộ Tài chính: Là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật…

Về quản lý chuyên ngành, Bộ Tài chính có vai trò phối hợp với NHNN quản lý, giám sát việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo thực hiện một hoặc một số hoạt động sau: Tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán; quản lý danh mục vốn đầu tư; quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; cung ứng dịch vụ bảo hiểm, đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ; cung ứng dịch vụ kế toán; kinh doanh trò chơi có thưởng, casino. Chỉ đạo cơ quan hải quan cung cấp thông tin thu thập được về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới theo quy định của Luật PCRT.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước: Là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường trứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; phối hợp với NHNN quản lý, giám sát việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực chứng khoán.

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm: Cục Quản lý giám sát bảo hiểm là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hoạt động bảo hiểm; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; phối hợp với NHNN thực hiện chức năng quản lý, giám sát việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực bảo hiểm.

Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính:  Là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hoạt động casino, trò chơi điện tử có thưởng; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý, giám sát, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về mặt tài chính trong việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino; cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởngng dành cho người nước ngoài.

Tổng cục Hải quan: Là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ kiểm tra và kiểm soát hàng hóa và các phương tiện vận tải; ngăn chặn và chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới; tổ chức thực hiện các luật về thuế liên quan đến hàng hóa xuất hoặc nhập khẩu; đề xuất các chính sách và biện pháp về quản lý nhà nước đối với xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiệm vụ của Cơ quan Hải quan còn bao gồm thực hiện và tuân theo các quy định khai báo hải quan.

Bộ Quốc phòng/Bộ đội biên phòng/Kiểm lâm: Những cơ quan này giữ vai trò quan trọng trong phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp qua biên giới. Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu mối chủ trì, nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành văn bản xử lý các vấn đề liên quan đến phổ biến vũ khí theo yêu cầu của các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bộ Ngoại giao: Là cơ quan có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam liên quan đến hiệp ước và công ước quốc tế, kể cả Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Bộ Ngoại giao là thành viên của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị của Bộ ở cấp tỉnh: Chịu trách nhiệm về việc đăng ký, quản lý và giám sát các doanh nghiệp kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chính về quản lý, giám sát, thanh tra việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực bất động sản.

Bộ Công Thương: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính về quản lý, giám sát, thanh tra việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý.

Bộ Nội vụ: Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của quỹ; thanh tra, kiểm tra, giám sát về tổ chức, hoạt động của quỹ. Bộ Nội vụ là thành viên của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Ủy ban nhân dân: Thực hiện, chỉ đạo việc phổ biến, giáo dục pháp luật về PCRT tại địa phương; Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai và đôn đốc thực hiện các đường lối, chính sách, chiến lược, kế hoạch PCRT; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về PCRT theo thẩm quyền.