Quy định về phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng của Singapore và bài học cho Việt Nam

An Nhi

Để tăng cường kiểm soát và ngăn ngừa hoạt động phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng, pháp luật Singapore đã quy định khá cụ thể về nghĩa vụ báo cáo và cung cấp thông tin của các tổ chức tín dụng. Bài viết nghiên cứu hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng của Singapore, từ đó nhằm gợi vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý phòng, chống rửa tiền.

Quy định về phòng chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng của Singapore

Quy định về chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng của Singapore được đề cập cụ thể ở một số văn bản pháp luật sau:

- Đạo luật về tham nhũng, buôn bán bất hợp pháp ma tuý và các tội phạm nghiêm trọng khác (CDSA) ban hành ngày 6/7/1999. Theo đó, tội rửa tiền không chỉ bị giới hạn trong phạm vi liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma tuý mà bao gồm cả những trường hợp liên quan đến các tội nghiêm trọng khác.

Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng, pháp luật Singapore đã quy định khá cụ thể về nghĩa vụ báo cáo và cung cấp thông tin của các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại mục 3 phần V CDSA, các tổ chức tín dụng phải giữ lại hoặc giữ một bản sao tài liệu về giao dịch tài chính của khách hàng trong khoảng thời gian tối thiểu.

Nhằm mở rộng phạm vi tội rửa tiền, xác định rõ nghĩa vụ báo cáo các giao dịch đáng ngờ, cũng như tăng hình phạt đối với các tội rửa tiền, Singapore đã sửa đổi các quy định trong CDSA 1999 trên cơ sở các khuyến nghị của FATF. Đạo luật sửa đổi, bổ sung CDSA đã được ban hành năm 2007 và năm 2014. Đây cũng là văn bản pháp lý quan trọng nhất về chống rửa tiền trong hệ thống pháp luật của Singapore hiện hành. Các quy định về chống rửa tiền được ghi nhận chủ yếu tại Phần VI và quy định về tịch thu tài sản tại Phần II của CDSA, trong đó điều chỉnh đồng thời rửa tiền liên quan đến mua bán ma tuý và các tội phạm nghiêm trọng khác.

- Các Lưu ý và hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bổ: Đây là hệ thống các lưu ý và hướng dẫn của Cơ quan Tiền tệ Singapore nhằm hướng dẫn thi hành các quy định về chống rửa tiền được quy định trong CDSA đối với các tổ chức tài chính. Thông qua các hướng dẫn và lưu ý này, Cơ quan Tiền tệ Singapore cũng cung cấp cho các cá nhân liên quan những trường hợp nghi vấn về sự tham gia vào hoạt động rửa tiền của khách hàng.

- Một số văn bản khác như: Đạo luật về Khủng bố năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2016, Luật Hình sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Thuế hàng hoá và dịch vụ, Quy định về nghề luật năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017...

Một trong những điểm đáng lưu ý trong pháp luật về chống rửa tiền của Singapore là khái niệm "hành vi phạm tội" được định nghĩa tại Điều 2 CDSA. Nghĩa là, Singapore đã không chỉ giới hạn hành vi phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Singapore mà bao gồm bất kỳ hành vi đã hoặc đang tham gia thực hiện trên lãnh thổ Singapore hoặc nơi khác mà cấu thành một tội nghiêm trọng hoặc một tội nghiêm trọng theo pháp luật nước ngoài.

Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng, pháp luật Singapore đã quy định khá cụ thể về nghĩa vụ báo cáo và cung cấp thông tin của các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại mục 3 phần V CDSA, các tổ chức tín dụng phải giữ lại hoặc giữ một bản sao tài liệu về giao dịch tài chính của khách hàng trong khoảng thời gian tối thiểu. Trong trường hợp vi phạm, tổ chức tài chính sẽ bị coi là phạm tội và bị phạt tối đa SGD $10,000.

Các tổ chức tín dụng cũng như các cá nhân trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ mà biết hoặc có cơ sở để nghi ngờ bất kỳ loại tài sản nào là lợi ích thu được hoặc được sử dụng hoặc dự định sử dụng để thực hiện hành vi cấu thành tội buôn bán ma tuý hoặc các hành vi phạm tội khác thì phải cung cấp thông tin cho Nhân viên về báo cáo giao dịch nghi vấn ngay khi biết. Trong trường hợp vi phạm, tổ chức tín dụng hoặc cá nhân đó bị coi là phạm tội và bị phạt tối đa SGD $20,000.

Theo quy định của Điều 31 CDSA, các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ cho Cơ quan công tố hoặc người được cơ quan này trao quyền mang đi hoặc xem các tài liệu mà các tổ chức này nắm giữ theo lệnh của Toà án cấp cao trong thời gian tối đa là 07 ngày để tiến hành điều tra buôn bán ma tuý hoặc các tội nghiêm trọng khác.  

Ngoài ra, để thực hiện các hoạt động phòng, chống rửa tiền, các tổ chức tín dụng còn phải tuân thủ các yêu cầu trong các lưu ý và hướng dẫn của Cơ quan Tiền tệ Singapore đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.

Trong các lưu ý và hướng dẫn trên, Cơ quan Tiền tệ Singapore không chỉ quy định nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng trong việc tiến hành các bước cần thiết để xác định, đánh giá và nhận biết được nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với khách hàng, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà khách hàng đến hoặc đi, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà tổ chức tín dụng có hoạt động và các kênh để thực hiện các hoạt động, dịch vụ hay giao dịch của tổ chức tín dụng đó.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ tiến hành tự đánh giá rủi ro, xem xét các yếu tố rủi ro trước khi xác định cơ chế phù hợp để cung cấp đánh giá rủi ro này cho cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm hoặc không tuân thủ các yêu cầu được nêu trong các lưu ý và hướng dẫn này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt tối đa là 1 triệu SGD.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Thứ nhất, tăng cường nhận thức về phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ, lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia và đáp ứng các yêu cầu, cam kết hội nhập quốc tế.

Thứ hai, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác chống rửa tiền, đặc biệt, cần giao nhiệm vụ cụ thể và quyền lực cần thiết đủ lớn cho cơ quan chuyên trách chống rửa tiền với các chế tài đủ mạnh để trấn áp và trừng phạt các hành vi rửa tiền.

Thứ ba, cần tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, cơ quan và các tổ chức tín dụng. Công tác phòng, chống rửa tiền là công việc hết sức phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, tổ chức có liên quan, giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữa các tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước cũng như giữa các tổ chức tín dụng với nhau.

Thứ tư, cần xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả, chặt chẽ. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cùng hệ thống giám sát hiệu quả sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn rửa tiền.

Thứ năm, cần phát triển hệ thống thông tin quốc gia công khai, minh bạch, cập nhật và thuận tiện cho tra cứu các quy định, nhận biết các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan của các tổ chức tín dụng và người dân về chuyển tiền và giao dịch ngân hàng, phòng, chống rửa tiền.