Việt Nam có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản
Việt Nam có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Đặc biệt nếu như trước đây, Việt Nam là thị trường có sản xuất có chi phí rẻ phục vụ xuất khẩu dần đang dịch chuyển sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Các DN Nhật Bản có xu hướng tập trung nhiều hơn dầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới ở Việt Nam...
Đây là thông tin được trao đổi tại cuộc họp báo công bố Khảo sát thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2023 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Tại buổi công bố, ông Takeo Nakajima - Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) trao đổi về một số điểm chính của khảo sát.
Theo ông Takeo Nakajima, đó là DN Nhật Bản tại Việt Nam có số lượng đồng đều giữa DN lớn và DN vừa và nhỏ; giữa ngành chế tạo và phi chế tạo.
Số DN Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2023 là 54,3%, tỷ lệ này thấp hơn 6,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN. Lý do, JETRO cho hay là do sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước; chi phí nhân công và chi phí thu mua nguyên vật liệu tăng.
Về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 so với năm 2023, số DN Nhật Bản phản hồi cải thiện là 50,4%, trong đó nhiều công ty đang hy vọng vào sự cải thiện nhờ phục hồi của năm 2023.
Đặc biệt, tỷ lệ DN Nhật Bản cho biết mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7% (giảm 3,3 điểm so với năm 2022).
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của JETRO, tỷ lệ thu mua tại chỗ đã tăng lên 41,9% và thu mua từ các công ty địa phương tăng lên 17,2%. JETRO cho rằng, DN Nhật Bản vẫn có động lực cao trong thúc đẩy hoạt động thu mua tại chỗ, đồng thời kỳ vọng vào sự đào tạo, phát triển hơn nữa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đáng chú ý, ông Takeo Nakajima cho biết: Các DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, với tỷ lệ 34,4%; đồng thời DN Nhật Bản đã tăng lương trung bình 5,6%, mức lương ở mức trung bình trong khu vực, nhưng tỷ lệ tăng thuộc nhóm cao nhất.
Điểm đáng lưu ý, đó là vấn đề nhân lực. Theo khảo sát của JETRO, tại Việt Nam, 42,7% DN Nhật Bản cho rằng họ đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực.
Trong đó, JETRO cho hay, tính theo ngành, tỷ lệ thiếu hụt nhân lực trong ngành phi chế tạo là 45,2%; hơn 60% DN trong ngành bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, y tế đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.
Cùng với đó, khảo sát còn cho thấy, mức độ thiếu hụt nghiêm trọng với các vị trí quản lý yêu cầu có kinh nghiệm và chuyên môn, nhân sự IT; riêng tỷ lệ thiếu hụt lao động tại các nhà máy trên toàn Việt Nam là 49%.
JETRO nhấn mạnh, điều này cho thấy đang có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong bối cảnh hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn vào ngành chế tạo.
Giải đáp các câu hỏi của báo chí, đại diện JETRO vẫn đánh giá cao về môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác giữa các DN Nhật Bản và Việt Nam. Trong cuộc khảo sát các công ty mẹ tại Nhật Bản, các DN Nhật vẫn coi Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng thứ 2 (chỉ đứng sau thị trường số 1 là Hoa Kỳ).