Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc sử dụng kỹ thuật số để tiến hành cải cách

Theo T.H/thitruongtaichinhtiente.vn

Nhận định trên được ông Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đưa ra tại buổi Hội thảo công bố Báo cáo "Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách quy định kinh doanh - Kinh nghiệm tốt quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam", do Văn phòng Chính phủ (VPVP) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 10/3.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Vương quốc Anh, các thành viên Tổ công tác triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Bước tiến lớn trong cải cách quy định kinh doanh

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, năm 2021, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Đã thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, cập nhật 7.022 quy định kinh doanh.

Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định kinh doanh (dự kiến sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật); tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (trong đó có 1.888 dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp).

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh là công cụ cải cách quy định kinh doanh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong cải cách quy định, huy động sự tham gia tích cực từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với chương trình cải cách của Chính phủ.

Do đó, một nhiệm vụ trọng tâm của VPCP là trong quý I/2022, VPCP sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh; quyết định về đánh giá chất lượng quản trị công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

"Chậm nhất trong quý II/2022, các bộ hoàn thành việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2021; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2022", Bộ trưởng Trần Văn Sơn chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò của công nghệ kỹ thuật số, ông Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho rằng, đối với các doanh nghiệp, kỹ thuật số hóa đã mở ra những cơ hội để đổi mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi sang những cách thức sản xuất mới và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới.

Đối với Chính phủ, tiến trình số hóa mang đến cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhiều công cụ để hỗ trợ mô hình làm việc mang tính cởi mở và hợp tác hơn với những cá nhân và tổ chức khác trong chính phủ cũng như với người dân và doanh nghiệp.

Đại sứ Gareth Ward đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số để tiến hành cải cách quy định theo những phương thức mới, sáng tạo và tiết kiệm chi phí; đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục khai thác triệt để tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ cải cách quy định.

Những khuyến nghị cho Việt Nam

Trình bày Báo cáo "Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách quy định kinh doanh - Kinh nghiệm tốt quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam", TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia cải cách thể chế đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số và đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, mức độ phát triển Chính phủ số của Việt Nam còn thấp.

Năm 2020, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thailand, Brunei và Philippines.

Nhiều công cụ số hữu ích chưa được sử dụng để đẩy mạnh cải cách quy định kinh doanh. Lợi ích mà công nghệ số đem lại là rất lớn và Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm tốt trên thế giới để đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong cải cách quy định kinh doanh.

Dựa trên các thông lệ quốc tế và phân tích hệ thống thể chế và quy định hiện hành của Việt Nam, TS. Đặng Quang Vinh đã nêu ra 5 nhóm khuyến nghị chính, đó là: Xây dựng pháp luật và thể chế cho ứng dụng công nghệ số; kiện toàn cơ cấu tổ chức để áp dụng công nghệ kĩ thuật số trong cải cách quy định; phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng kĩ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nâng cao năng lực kĩ thuật số và mở rộng người dùng.

Còn theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), hiện nay, VPCP, các Bộ ngành đang xây dựng hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách quy định kinh doanh, một trong ba đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển đất nước, thực hiện chủ trương cải cách gắn với xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 68/NQ-CP.

Công cụ này được xây dựng để thực hiện mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ và bảo đảm duy trì tính bền vững của cải cách thể chế nói chung cũng như cải cách quy định kinh doanh nói riêng và hướng tới tiệm cận với thực tiễn tốt của quốc tế.

Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh cung cấp thông tin một cách chính thống, toàn diện và tập trung về các quy định kinh doanh; đồng thời là kênh giao tiếp, tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường điện tử, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp.

Mọi người dân, doanh nghiệp đều có thể giám sát, đánh giá và bày tỏ ý kiến của mình về quy định kinh doanh, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải trình trong xây dựng, ban hành và thực thi quy định kinh doanh; công khai, minh bạch tiến độ, kết quả cải cách của các Bộ, ngành, qua đó, nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh nói riêng và thể chế nói chung.

"Càng đưa kĩ thuật số vào, chúng ta phải càng cải cách mạnh. Những chia sẻ tại buổi hội thảo hôm nay càng khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng. Tới đây, chúng ta phải khai thác và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, làm sao để hệ thống này chính là công cụ tạo đòn bẩy để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh tại Việt Nam", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.